Thế giới tuần qua: Đẩy mạnh tiêm vaccine cho trẻ em và nước Mỹ 20 năm sau vụ khủng bố 11/9

Chuyển động 24h-Thứ sáu, ngày 10/09/2021 11:31 GMT+7

VTV.vn - Các nước đẩy mạnh tiêm vaccine cho trẻ em, 20 năm diễn ra vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ, hạn chế mới đối với phụ nữ tại Afghanistan là các vấn đề nóng trên thế giới tuần qua.

Nhiều nước đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em

Từ đầu tuần này, trẻ em tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã bắt đầu năm học mới. Và để bảo vệ các em trước biến thể Delta đang lây lan, những chương trình tiêm chủng cho trẻ em và đối tượng thanh thiếu niên đang được một số quốc gia đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Với thông điệp "Trẻ em cần được an toàn để đến trường!", tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã vừa yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em để các em có thể được đến trường. Cho đến thời điểm này, các thủ tục nhập khẩu vaccine Pfizer cho trẻ từ 12 - 17 tuổi đã sẵn sàng và dự kiến ngay từ tháng 10, những lô vaccine này sẽ bắt đầu về đến Việt Nam và được tiêm cho các em.

Còn tại nhiều quốc gia trên thế giới, tháng 9 và tháng 10 có thể được gọi là "Những tháng của tiêm chủng trẻ em".

Vào đúng ngày khai giảng 6/9 vừa qua, Cuba trở thành là nước đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 cho trẻ từ 2 - 11 tuổi bằng loại vaccine tự sản xuất Soberana 02. Slovakia từ ngày 9/8 bắt đầu tiêm vaccine cho tất cả trẻ em từ 5 - 11 tuổi với vaccine của Pfizer-BioNTech. Chile tuần này cũng đã cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 của hãng Sinovac cho trẻ em từ 6 - 12 tuổi và trở thành nước Mỹ Latin đầu tiên có chính sách tiêm chủng ở lứa tuổi này. Còn đối với lứa tuổi từ 12 - 17 tuổi, hàng loạt các quốc gia Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Brazil, Anh... đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho đối tượng này. Đối với quốc gia tỉ dân Trung Quốc, tháng 10 tới sẽ là tháng tiêm chủng của toàn bộ trẻ em từ 12 - 17 tuổi!

Thế giới tuần qua: Đẩy mạnh tiêm vaccine cho trẻ em và nước Mỹ 20 năm sau vụ khủng bố 11/9 - Ảnh 1.

hàng loạt quốc gia đã và đang triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em. (Ảnh: AP)

Mặc dù vậy, đa phần các quốc gia trên thế giới vẫn khá thận trọng trong việc tiêm chủng cho toàn bộ trẻ nhỏ mọi lứa tuổi. Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ hiện chỉ khuyến nghị tiêm vaccine COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên với vaccine Pfizer, còn những lứa tuổi khác vẫn đang được nghiên cứu.

Các chuyên gia y tế nhận định, vaccine COVID-19 đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả cho người lớn, nhưng những số liệu đó không thể thay thế cho việc nghiên cứu trên trẻ em. Hiện quá trình thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine trên trẻ em đang gặp không ít khó khăn. Trong số đó có việc trẻ em khi tham gia thử nghiệm phải có sự đồng ý của cha mẹ, một điều không dễ, hay một số trẻ khi tham gia nghiên cứu lại không hợp tác vì sợ bị tiêm.

Ngoài ra, việc đánh giá xem liệu vaccine có thể bảo vệ trẻ hay không là một nhiệm vụ không đơn giản vì trẻ không dễ thể hiện cảm nhận của cơ thể một cách rõ ràng. Do đó, để có kết quả cuối cùng, các nhà nghiên cứu buộc phải theo dõi mức độ kháng thể của trẻ trong nhiều tháng.

Trẻ em là những cơ thể khác biệt, không phải là "những người lớn trong kích cỡ nhỏ bé", đây có lẽ là tiêu chí quan trọng nhất khi các quốc gia tiến hành tất cả các hoạt động nghiên cứu và chủng ngừa vaccine COVID-19 cho đối tượng trẻ em.

Những hạn chế mới đối với phụ nữ tại Afghanistan

Cũng chào đón năm học mới giữa đại dịch nhưng tại Afghanistan, năm học này sẽ diễn ra với những thay đổi đáng kể đối với các học sinh, sinh viên nữ. Tuần này, chính quyền Taliban đã đưa ra các quy định mới, nghiêm ngặt hơn đối với phụ nữ ở Afghanistan.

Những thay đổi có thể thấy ngay tại các trường học ở Kabul. Học sinh nữ bắt buộc phải đội khăn trùm đầu. Sinh viên nam, nữ ngồi học được ngăn cách với nhau bằng một tấm rèm, nam nữ có lối ra vào riêng và nữ phải kết thúc buổi học trước sinh viên nam 5 phút để không tụ tập với nhau sau giờ học… Chỉ các giáo viên nữ hoặc giáo viên nam lớn tuổi mới được dạy sinh viên nữ.

Thế giới tuần qua: Đẩy mạnh tiêm vaccine cho trẻ em và nước Mỹ 20 năm sau vụ khủng bố 11/9 - Ảnh 2.

Burqa - trang phục gắn liền với người phụ nữ tại Afghanistan thời Taliban nắm quyền. (Ảnh: AP)

Cùng với những quy định mới về việc đi học, phụ nữ Afghanistan, bao gồm cả đội cricket nữ của nước này, từ tuần này đã bị cấm chơi thể thao. Lý do theo chính quyền Taliban là khi chơi thể thao, phụ nữ có thể phải bỏ tấm che mặt và không mặc trang phục che kín cơ thể. Do đó, các hoạt động thể thao với nữ giới được coi là không thích hợp và không cần thiết.

Những quy định bắt buộc mới đối với phụ nữ tại Afghanistan cho thấy sự quay trở lại với cuộc sống hà khắc với nữ giới từng tồn tại ở nước này từ hơn 2 thập kỷ trước. Sự thay đổi về cách quản lý thời chính quyền mới và tâm lý e sợ đã làm gia tăng sự xuất hiện của một loại trang phục gắn liền với số phận người phụ nữ tại Afghanistan, đó là burqa, loại khăn trùm kín cơ thể từ đầu tới chân, với tấm lưới dày che mặt và chỉ nhìn được từ bên trong.

Nước Mỹ 20 năm sau vụ khủng bố 11/9

Như vậy là sau 20 năm, Afghanistan chứng kiến sự trở lại nắm quyền của Taliban sau khi lực lượng này đánh chiếm thủ đô, trong đúng những ngày Mỹ hoàn tất rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Đối với Mỹ, việc rút khỏi Afghnistan đánh dấu bước chuyển trong chính sách can thiệp quân sự ở nước ngoài kéo dài 20 năm của Mỹ bắt nguồn từ sau sự kiện khủng bố 11/9/2001. Nước Mỹ đang trong những ngày tưởng niệm sự kiện bi thảm 11/9, vụ tấn công mà cho đến nay đã làm thay đổi sâu sắc đến cuộc sống người dân Mỹ và chính nước Mỹ.

Trước vụ khủng bố ngày 11/9 của 20 năm trước, không nhiều người Mỹ biết về Osama Bin Laden và mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Tuy nhiên, vụ khủng bố đã làm thay đổi về nhận thức của người dân Mỹ về sự an toàn và nguy cơ của những mối đe dọa ngay trên đất nước mình.

Thế giới tuần qua: Đẩy mạnh tiêm vaccine cho trẻ em và nước Mỹ 20 năm sau vụ khủng bố 11/9 - Ảnh 3.

Vụ tấn công 11/9 đã làm thay đổi sâu sắc đến cuộc sống người dân Mỹ và chính nước Mỹ. (Ảnh: AP)

Chưa đầy một tháng sau vụ khủng bố 11/9, quân đội Mỹ đã phát động một trong những chiến dịch quân sự kéo dài nhất trong lịch sử nước này, đó là cuộc chiến ở Afghanistan nhằm tiêu diệt các phần tử al-Qaeda, tiêu diệt Osama bin Laden, chủ mưu vụ tấn công ngày 11/9. Bóng ma của khủng bố đã giữ chân quân đội Mỹ ở Afghanistan và các điểm nóng khác trong gần 20 năm qua.

Vụ tấn công khủng bố cũng đã làm thay đổi bộ mặt ngành hàng không của Mỹ và thế giới. Một cơ quan chuyên trách đảm bảo an ninh ngành hàng không đã được thành lập tại Mỹ. Những quy định siết chặt kiểm tra hành lý, hành khách, gia cố cửa buồng lái máy bay được Mỹ và các quốc gia đẩy mạnh, thậm chí nhiều sĩ quan an ninh được đưa lên bảo vệ các chuyến bay.

Nước Mỹ siết chặt an ninh, cho đến nay không có vụ khủng bố quy mô lớn nào xảy ra, nhưng các vụ tấn công do những phần tử cực đoan hay còn gọi là "sói đơn độc" vẫn còn.

Kể từ ngày 11/9/2001 đến tháng 9/2020, đã có 107 người thiệt mạng trong các vụ khủng bố được tiến hành bởi những phần tử mang quốc tịch Mỹ bị ảnh hưởng tư tưởng Hồi giáo cực đoan.

Tiêm vaccine cho trẻ em - bước đi quan trọng giúp giảm đà lây lan dịch bệnh Tiêm vaccine cho trẻ em - bước đi quan trọng giúp giảm đà lây lan dịch bệnh Doanh số burqa tăng vọt sau khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan Doanh số burqa tăng vọt sau khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan Nỗi ám ảnh khôn nguôi với những người sống sót sau vụ khủng bố 11/9 Nỗi ám ảnh khôn nguôi với những người sống sót sau vụ khủng bố 11/9

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước