Thế giới trước nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân

Đàm Linh (Theo UN, NDTV)-Thứ bảy, ngày 28/09/2024 07:09 GMT+7

Năm 2005, Triều Tiên tuyên bố đã sở hữu vũ khí hạt nhân và nước này đã tiến hành vụ thử nghiệm đầu tiên vào năm 2006. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Sự chia rẽ về địa chính trị và mất lòng tin ngày càng tăng đã làm leo thang căng thẳng và thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới.

Nhận định do Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra tại khóa họp thứ 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 26/9, trong bối cảnh tình trạng căng thẳng toàn cầu gia tăng và nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tái diễn.

Trong cuộc thảo luận kéo dài cả ngày, gần 90 diễn giả đã lên tiếng, trong đó, một số người nêu bật những khu vực trên thế giới mà căng thẳng leo thang đang làm dấy lên nỗi lo sợ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Bộ trưởng Bộ Quan hệ Quốc tế và Hợp tác Namibia cho rằng cuộc khủng hoảng ở Gaza và hậu quả ở khu vực và xa hơn nữa đã "làm nổi bật tính cấp thiết của việc thiết lập Khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Trung Đông".

Một số diễn giả đã kêu gọi Israel, quốc gia duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân trong khu vực Trung Đông, tham gia Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT), sau khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Uganda, phát biểu thay mặt cho Phong trào Không liên kết, bày tỏ lo ngại về mối đe dọa Israel bắn vũ khí hạt nhân vào Gaza và chống lại Iran.

Thế giới trước nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân - Ảnh 1.

Nga đang phát triển vũ khí hạt nhân trên không gian nhằm nhắm vào các vệ tinh của Mỹ. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, đại diện của Nhật Bản đã nêu bật các "vấn đề cấp bách" khác cần được giải quyết: mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Liên bang Nga; sự phát triển hạt nhân, mối quan hệ với Liên bang Nga của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên; và chương trình hạt nhân của Iran. Là quốc gia duy nhất từng hứng chịu các vụ đánh bom nguyên tử, Nhật Bản coi sứ mệnh của mình là truyền tải thực tế về việc sử dụng vũ khí hạt nhân đến thế giới.

Đại diện của Mỹ cho biết đất nước mình đã giảm "số lượng vũ khí hạt nhân đáng kể" vì hiểu được những rủi ro. Theo quan điểm đó, Mỹ công nhận quyền duy trì khả năng răn đe hạt nhân và quyền này được mở rộng cho các đồng minh để họ không cần đến vũ khí hạt nhân.

Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Pháp lý và Quốc tế của Iran cho biết, bất chấp các Hiệp ước quốc tế, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn "có ý định dựa vào các lực lượng hạt nhân hiện đại hóa như một thành phần trung tâm trong các thế trận an ninh của họ". Ông nói thêm rằng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đặc biệt là những quốc gia trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) "ngày càng áp dụng các quy tắc NPT theo cách phân biệt đối xử" và "đã áp dụng các chính sách về giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân phục vụ cho lợi ích của riêng họ, cuối cùng làm suy yếu an ninh chung".

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), hiện trên thế giới vẫn còn khoảng hơn 12.000 đầu đạn hạt nhân. Báo cáo của Chiến dịch quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) cho biết, chỉ riêng trong năm 2023, chi tiêu cho vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới đã tăng vọt 10,8 tỷ USD so với năm 2022, trong đó Mỹ chiếm 80% mức tăng đó.

Các quốc gia sở hữu những loại vũ khí như vậy đã có kế hoạch dài hạn để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Hơn một nửa dân số thế giới vẫn sống ở các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc là thành viên của các liên minh hạt nhân. Mặc dù số lượng vũ khí hạt nhân được triển khai đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, song tiến độ thực hiện các thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa các nước sở hữu hầu như giậm chân tại chỗ.


Nga điều chỉnh chính sách răn đe hạt nhân Nga điều chỉnh chính sách răn đe hạt nhân

VTV.vn - Tổng thống Vladimir Putin mới đây cho biết sẽ điều chỉnh chính sách của Nga về răn đe hạt nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước