Các tình nguyện viên đeo khẩu trang trong lúc phân phối thực phẩm cứu trợ người dân tại bang Texas, Mỹ, ngày 21/2. Ảnh: AP
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trên thế giới với 28.767.835 ca nhiễm và 511.302 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 11.008.665 ca mắc, trong đó có 156.457 ca tử vong. Tiếp theo là Brazil với 10.168.174 ca mắc và 246.560 ca tử vong.
Tại châu Âu, hàng trăm nghìn học sinh Đức đã được trở lại trường học sau hai tháng nghỉ học nhằm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch. Theo thông báo của Viện dịch tễ (RKI), chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày ở Đức/100.000 dân đã tăng từ 57,8 lên mức 61,0. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Đức từ đầu dịch đã lên tới 2,39 triệu ca, trong đó có trên 67.900 ca tử vong.
Tại Anh, các trường học ở xứ England sẽ mở cửa trở lại vào ngày 8/3, hai người có thể gặp gỡ nhau ngoài trời và có thể uống cà phê cùng nhau. Sau đó, vào ngày 29/3, hai gia đình, tương đương với 6 người, có thể gặp gỡ nhau bên ngoài và các hoạt động thể thao ngoài trời cũng sẽ được nối lại. Lộ trình trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Anh vừa quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Anh sắp nới lỏng lệnh phong tỏa. Ảnh: The Guardian
Tại Ba Lan, chính phủ nước này dự kiến công bố các quy định mới về điều kiện nhập cảnh, Theo đó, những người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính, người nhập cảnh sẽ không phải tiến hành cách ly. Hiện Chính phủ Ba Lan cũng không có kế hoạch tái áp đặt các biện pháp hạn chế trong thời gian tới. Hiện, Ba Lan đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 sau khi ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm gần đây, với khoảng 8.000 ca mỗi ngày. Lực lượng chức năng nhận định Ba Lan có thể chạm ngưỡng đỉnh dịch vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới.
Tại châu Á, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát sau "sự kiện cộng đồng 20/2", tối 22/2, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia ra thông báo, Thủ tướng Hun Sen đã đồng ý đề xuất của bộ này cho phép tạm ngừng hoạt động tất cả các trường công lập và trường tư thục tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal (giáp ranh) trong thời gian 2 tuần.
Theo Bộ Y tế Campuchia, tính đến 7h00 ngày 22/2/2021, Campuchia đã phát hiện 568 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, đã có 473 trường hợp được chữa khỏi và 95 trường hợp khác đang tiếp tục điều trị tại các bệnh viện.
Người dân chờ 30 phút sau khi được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 18/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Ấn Độ, chính quyền thành phố Mumbai đã phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới do số ca nhiễm mới nơi đây gia tăng. Thủ hiến bang Maharashtra, ông Uddhav Thackeray, quan ngại nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai dịch COVID-19 tại bang này, vốn đã cướp đi sinh mạng của gần 52.000 người kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Do đó, ông đề nghị người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang và tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch. Chính quyền bang sẽ xem xét lại tình hình sau 8 ngày nữa và sẽ quyết định về việc có phong tỏa hay không.
Trong khi đó, Trung Quốc đại lục đã hạ mức cảnh báo dịch bệnh tại những khu vực cuối cùng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Cụ thể, chính quyền tỉnh Hắc Long Giang đã quyết định đưa mức cảnh báo dịch bệnh của huyện Vọng Khuê xuống mức thấp sau khi không ghi nhận trường hợp mắc mới hoặc không có triệu chứng trong 2 tuần qua. Trước đó, thành phố Thạch Gia Trang - thủ phủ tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc cũng đã hạ mức cảnh báo đối với quận Cảo Thành sau 2 tuần tiến hành xét nghiệm sàng lọc mà không phát hiện ca nhiễm mới nào. Như vậy, hiện không còn khu vực nào ở Trung Quốc đại lục nằm trong khu vực có nguy cơ cao hoặc trung bình với đại dịch này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!