Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Á, giới chức y tế tại tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, đã xác nhận phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong các ca bệnh mới không biểu hiện triệu chứng nhập cảnh tại tỉnh này. Biến thể này được phát hiện lần đầu tại Nigeria. Hai bệnh nhân nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là hai trường hợp không triệu chứng phát hiện hồi tháng 2 vừa qua. Theo trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) tỉnh Quảng Đông, biến thể này đã lây lan sang hơn 20 quốc gia, có khả năng lây lan nhanh và dễ dàng vô hiệu hóa kháng thể, qua đó có thể dẫn tới tình trạng tái nhiễm ở những người từng mắc COVID-19. Hiện CDC Quảng Đông đang tiến hành phân lập thêm biến thể virus này. Đến nay, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 90.049 ca nhiễm COVID-19, trong đó 4.636 ca tử vong.
Hàn Quốc quyết định gia hạn lệnh giãn cách xã hội ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận cũng như ở các địa phương còn lại thêm 2 tuần, từ ngày 15-28/3, song lệnh cấm tụ tập trên 5 người được nới lỏng. Quyết định được đưa ra sau khi giới chức y tế nhận định làn sóng lây nhiễm thứ 3 ở Hàn Quốc vẫn chưa được kiểm soát và có xu hướng lan rộng gần đây. Số liệu thống kê của Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố cùng ngày cho thấy Hàn Quốc đã có thêm 382 ca mắc COVID-19, trong đó có 370 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 96.017 ca.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Trùng Khánh, Trung Quốc, ngày 17/2/2021. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Tại Đông Nam Á, Philippines ghi nhận thêm 5.404 ca mắc mới, số ca mắc mới ghi nhận hàng ngày cao nhất trong 7 tháng qua và là mức cao thứ tư ở quốc gia Đông Nam Á này kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Harry Roque thông báo ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, đồng thời cho biết ông không tiếp xúc với Tổng thống Duterte sau khi có kết quả xét nghiệm. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lần lượt là 626.893 và 12.837.
Cùng ngày, Indonesia thông báo ghi nhận thêm 5.589 ca nhiễm mới và 147 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 1.425.044 và 38.573 ca. Hiện Indonesia là quốc gia có số người nhiễm và tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á. Thái Lan cũng có thêm 78 ca nhiễm mới, trong đó có 74 ca lây nhiễm trong cộng đồng gồm 36 ca ở tỉnh Samut Sakhon và 22 ca ở thủ đô Bangkok. Hiện tổng số ca nhiễm tại Thái Lan là 27.005 người, trong đó có 87 ca tử vong.
Với 50% số ca mới xét nghiệm có kết quả dương tính với virus, Papua New Guinea đang là điểm nóng dịch COVID-19 tại châu Đại Dương.Trong bối cảnh đó, lãnh đạo bang Queensland của Australia giáp giới Papua New Guinea đã kêu gọi đẩy nhanh công tác phân phối vaccine tới quốc đảo này để khống chế dịch bệnh lây lan. Theo thống kê mới nhất của chính phủ Papua New Guinea, đến nay, tại nước này đã có 2.173 ca mắc COVID-19 và 21 ca tử vong. Hiện dịch bệnh đã lây lan ra 17 tỉnh của nước này.
Các bệnh viện ở Paris đang chịu áp lực rất lớn trước đại dịch COVID-19. Ảnh: VOV
Tại Pháp, cho đến nay, mặc dù số ca nhiễm không ngừng tăng, song Chính phủ Pháp vẫn quyết định không áp đặt lệnh phong tỏa theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế. Thay vào đó, Pháp đã áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc vào lúc 18h hàng ngày và lệnh phong tỏa vào cuối tuần tại hai vùng đang gặp khó khăn trong việc chống dịch. Chính quyền cũng yêu cầu các trung tâm mua sắm lớn phải đóng cửa. Trong ngày 14/3, Pháp đã ghi nhận thêm 26.343 ca nhiễm mới và 140 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt ở mức hơn 4 triệu ca nhiễm và hơn 90.000 ca tử vong.
Đức đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kể từ khi nước này nới lỏng các biện pháp phòng dịch vào cuối tháng 2 vừa qua, theo đó cho phép trường học, cửa hàng làm đẹp và một số cửa hiệu kinh doanh được mở cửa một phần. Số ca nhiễm mới gia tăng, cùng với sự lây lan của biến thể SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Anh và tiến trình tiêm chủng chậm chạp tại Đức đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, trong khi người dân Đức hy vọng sớm thoát khỏi tình trạng phong tỏa một phần kéo dài 3 tháng.
Tính đến tối 14/3, tổng số ca mắc COVID-19 tại khu vực châu Phi đã tăng lên 4.025.390 ca, trong đó 107.523 ca tử vong. Những nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch xét về số ca nhiễm là Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia. Xét theo số ca tử vong do COVID-19, Nam Phi cũng có số người không qua khỏi nhiều nhất với 51.261 ca tử vong, sau đó là Ai Cập với 11.256 ca và Maroc với 8.718 ca.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!