Thế giới dần quay trở lại với sự sôi động vốn có dù chặng đường còn nhiều chông gai

Chuyển động 24h-Thứ sáu, ngày 24/09/2021 11:37 GMT+7

VTV.vn - Đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, nhưng nhờ số người được tiêm chủng không ngừng tăng lên, mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở nhiều nước đã bắt đầu giảm đi.

Châu Á bước đầu kiểm soát dịch COVID-19

Một thông tin đáng mừng là nhiều quốc gia từng là điểm nóng COVID-19 tại châu Á nay đều đã cho thấy những dấu hiệu tích cực khi số ca nhiễm mới và tử vong bắt đầu giảm xuống rõ rệt. Indonesia, quốc gia từng là tâm dịch COVID-19 tại châu Á, đã ghi nhận tổng cộng hơn 4,1 triệu ca mắc với hơn 140.000 người tử vong. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi tỷ lệ người dân dương tính với virus SARS-CoV-2 trong tổng số người xét nghiệm trong tháng 9 này đã xuống dưới 4%, thấp hơn mức 5% vốn là mức quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới về một quốc gia khống chế được dịch bệnh.

Ông Luhut Pandjaitan, Điều phối viên về hoạt động cộng đồng khẩn cấp Indonesia, cho biết, so với đỉnh dịch hồi tháng 7, số ca mắc mới COVID-19 đã giảm 98%. Ở thời điểm hiện tại, có thể coi như Indonesia đã khống chế được dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn không thể chủ quan bởi nguy cơ từ các làn sóng dịch bệnh mới vẫn tiềm ẩn.

Thế giới dần quay trở lại với sự sôi động vốn có dù chặng đường còn nhiều chông gai - Ảnh 1.

(Ảnh: AP)

Theo giới chuyên gia, trong thời gian qua, Indonesia đã áp dụng những biện pháp chống dịch quyết liệt như hạn chế hoạt động cộng đồng theo nhiều cấp độ, giúp giảm bớt nguy cơ hình thành các ổ dịch. Mặc dù các lệnh hạn chế hiện đã được nới lỏng nhưng vẫn đảm bảo giới hạn công suất hoạt động của những ngành nghề không thiết yếu. Bên cạnh đó, nước này cũng tăng cường thực hiện quy định cách ly nghiêm ngặt đối với người nhập cảnh.

Bên cạnh Indonesia, các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia và Philippines đều ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 giảm mạnh so với đỉnh dịch hồi tháng 8. Tại Malaysia, nơi chứng kiến số ca nhiễm mới giảm 26%, nhiều hoạt động du lịch nội địa đã được nối lại cho những người tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, các quốc gia châu Á vẫn cần cẩn trọng, tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn nhằm tránh nguy cơ về một đợt bùng phát mới.

Các nước thận trọng mở cửa lại trường học

Khi mức độ tàn phá của đại dịch giảm bớt, nhiều nước đã bắt đầu xem xét đến việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, xã hội và cả trường học. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm COVID-19 và trở nặng thấp hơn người lớn, tuy nhiên vẫn cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi cho các em đến trường. Các quốc gia châu Á mở cửa trường học để vừa đảm bảo chất lượng giáo dục, nhưng vẫn phải giữ an toàn cho học sinh.

Trong tuần này, nhà chức trách Philippines đã thông báo sẽ thí điểm mở cửa trở lại các trường học ở những khu vực có nguy cơ thấp về lây nhiễm COVID-19. 120 trường học sẽ tham gia vào chương trình kéo dài 2 tháng này. Học sinh tham gia các lớp học theo hình thức trực tiếp cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Mỗi buổi học sẽ chỉ diễn ra trong 3 - 4 giờ. Số lượng học sinh giới hạn khác nhau theo từng cấp, lớp. Trong trường hợp phát sinh các nguy cơ, chương trình này sẽ lập tức bị đình chỉ. Chương trình thí điểm mở cửa lại trường học sẽ được bắt đầu sớm nhất có thể, tùy theo thời điểm sẵn sàng của các trường.

Thế giới dần quay trở lại với sự sôi động vốn có dù chặng đường còn nhiều chông gai - Ảnh 2.

(Ảnh: AP)

Còn tại Indonesia, sau một thời gian thí điểm mở cửa hạn chế, thủ đô Jakarta đang lên kế hoạch mở cửa trở lại khoảng 900 trường học từ mẫu giáo đến phổ thông trung học vào ngày 27/9 tới. Trong thời gian thí điểm trước đó, các trường chỉ được phép hoạt động với 50% công suất và tối đa 5 học sinh mỗi lớp. Thời gian mỗi tiết học đều được rút ngắn. Học sinh phải ngồi cách nhau 1,5 m, không được tụ tập nói chuyện trong lớp học, phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường và không được ra khỏi lớp trong giờ nghỉ giải lao. Bên cạnh đó, tất cả giáo viên đều phải tiêm vaccine phòng COVID-19.

Từ ngày 3/10 tới, Malaysia sẽ thực hiện hệ thống đến trường luân phiên theo tuần đối với học sinh tiểu học và trung học. Cụ thể, chỉ có 50% tổng số học sinh có thể đến trường. Mỗi lớp học sẽ được chia thành hai nhóm, một nhóm đến trường và nhóm còn lại học trực tuyến luân phiên nhau. Việc mở cửa lại trường học sẽ dựa trên tiêu chí đánh giá của Kế hoạch Phục hồi Quốc gia Malaysia gồm 4 giai đoạn. Những trường tại các bang đang nằm trong giai đoạn 1 (nơi có số ca mắc COVID-19 còn cao và tỷ lệ tiêm chủng thấp) sẽ tiếp tục đóng cửa.

Mỹ cho phép người tiêm chủng đầy đủ được nhập cảnh

Đại dịch đã buộc nhiều quốc gia đóng cửa biên giới, hạn chế tối đa người nhập cảnh. Tuy nhiên vaccine COVID-19 đang dần được chấp nhận như tấm thẻ thông hành cho phép người dân di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác. Mới đây nhất, Chính phủ Mỹ đã thông báo sẽ mở cửa biên giới trở lại với những người tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Ngoài Anh và 26 quốc gia Schengen ở châu Âu, việc nới lỏng các hạn chế cũng sẽ được áp dụng cho Ireland, Trung Quốc, Iran, Brazil, Nam Phi và Ấn Độ. Quyết định này của Mỹ đã nhận được sự hoan nghênh của lãnh đạo các nước.

Thế giới dần quay trở lại với sự sôi động vốn có dù chặng đường còn nhiều chông gai - Ảnh 3.

(Ảnh: AP)

Du khách quốc tế sẽ được yêu cầu bằng chứng đã tiêm phòng đầy đủ trước khi lên chuyến bay và xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ sau khi khởi hành. Họ sẽ không bị yêu cầu cách ly khi đến Mỹ. Sẽ có một số ngoại lệ đối với chính sách mới, bao gồm cả trẻ em chưa đủ điều kiện được tiêm chủng. Tuy vậy, các quy tắc mới vẫn chưa được áp dụng cho du khách đi qua biên giới đất liền với Mexico và Canada.

Theo chính sách hiện tại, chỉ công dân Mỹ và gia đình trực hệ của họ, người có Thẻ xanh và những người có miễn trừ lợi ích quốc gia (NIE) mới có thể đến Mỹ nếu họ đã ở Anh hoặc EU trong hai tuần trước đó.

Cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra trực tiếp trong dịch COVID-19

Khi biên giới các nước được mở cửa trở lại với yêu cầu chủ yếu là người nhập cảnh tiêm đủ hai mũi vaccine, đây sẽ là một bước tiến gần hơn nữa đến việc đạt được trạng thái bình thường mới, không chỉ trong phạm vi mỗi nước mà còn trên quy mô toàn cầu.

Ảnh chụp phiên khai mạc của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 21/9 vừa qua là bức ảnh hết sức bình thường trước đại dịch nhưng lại mang thông điệp lớn trong thời điểm hiện nay vì đây là lần đầu tiên lãnh đạo các quốc gia trên thế giới tiến hành cuộc họp trực tiếp thay vì trực tuyến kể từ khi đại dịch bùng phát. Chặng đường trước mắt có lẽ vẫn còn nhiều chông gai, nhưng rõ ràng thế giới đang dần quay trở lại với sự sôi động vốn có.

Indonesia có thể bùng phát đợt dịch mới vào cuối năm Indonesia có thể bùng phát đợt dịch mới vào cuối năm Philippines trước nguy cơ 'khủng hoảng giáo dục' vì COVID-19 Philippines trước nguy cơ "khủng hoảng giáo dục" vì COVID-19 Giáo viên không tiêm vaccine, 12 học sinh Mỹ bị lây nhiễm COVID-19 Giáo viên không tiêm vaccine, 12 học sinh Mỹ bị lây nhiễm COVID-19

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước