Thế giới chung tay phòng chống dịch 2019-nCoV

Thanh Ba - Đức Hiếu (VTV8)-Thứ ba, ngày 11/02/2020 08:29 GMT+7

VTV.vn - Đến thời điểm này, số người tử vong vì chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) đã vượt qua dịch SARS và số ca lây nhiễm cũng nhiều gấp 5 lần.

Tuy nhiên, điều đáng nói là tỷ lệ tử vong trên số ca lây nhiễm lại duy trì ở mức trên 2%, thấp hơn nhiều so với SARS hay cúm mùa thông thường trong bối cảnh đã xuất hiện hy vọng khống chế được dịch bệnh nhờ các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.

Điểm sáng lớn nhất trong trong đợt bùng phát dịch lần này là đã có hơn 3.000 bệnh nhân bình phục và xuất viện sau khi nhiễm 2019-nCoV. Trong tổng cộng hơn 40.000 người được xác định dương tính với 2019-nCoV tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ có khoảng 400 bệnh nhân được phát hiện bên ngoài Trung Quốc với từ 1 đến vài chục trường hợp được ghi nhận tại mỗi quốc gia. Trong hơn 900 ca tử vong, chỉ có 2 người chết ở bên ngoài Trung Quốc đại lục và đều là người Vũ Hán hoặc đã từng đi qua thành phố này. Trong một tuần qua không có thêm quốc gia nào ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.

Một tín hiệu đáng mừng nữa là đến nay, toàn bộ khu vực châu Phi với 1,2 tỷ dân chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào bất chấp mối quan hệ giao thương mật thiết với Trung Quốc. Trong tuần này, sẽ có tổng cộng 30 quốc gia châu Phi nhận các chế phẩm phục vụ xét nghiệm 2019-nCoV tại các trung tâm chẩn đoán. WHO đã cử chuyên gia đến 13 nước có lượng lớn hành khách thường xuyên lui tới Trung Quốc để hỗ trợ phòng chống dịch. Đây là nỗ lực nhằm giúp châu lục nghèo này phát hiện sớm các ca nhiễm để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh trong bối cảnh hệ thống y tế ở châu Phi đã bị quá tải bởi nhiều dịch bệnh truyền nhiễm chết người khác.

Trong khi đó, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng các thiết bị chẩn đoán phát hiện nCoV trong vòng 30 - 40 phút do các chuyên gia Hong Kong và Macau phát triển cũng như triển khai các hệ thống kiểm tra thân nhiệt từ xa, robot phun thuốc khử trùng tại những địa điểm công cộng. Với sự trợ giúp của công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, các công ty Trung Quốc đã phát triển nền tảng phân tích gen tự động, rút ngắn thời gian chẩn đoán trường hợp nghi nhiễm, góp phần bào chế vaccine, nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị. Trong bối cảnh khẩu trang khan hiếm, mới đây các nhà khoa học Israel và Nga đã tạo ra loại khẩu trang có thể tái sử dụng và tiêu diệt virus cũng như những tác nhân gây bệnh.

Thành công mới nhất của Việt Nam trong nỗ lực phòng chống dịch viêm phổi cấp do 2019-nCoV là vào cuối tuần qua Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập được chủng virus Corona mới này trong phòng thí nghiệm, qua đó tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày nhằm kịp thời phát hiện, cách ly điều trị bệnh nhân, tránh lây lan cho cộng đồng.

Theo WHO, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có loại thuốc đặc trị nào có thể phòng ngừa hoặc điều trị chủng virus mới này. Tuy nhiên, một số loại thuốc đang được các quốc gia và tổ chức y tế gấp rút nghiên cứu để đưa vào thử nghiệm lâm sàng, mở ra triển vọng ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, giới khoa học trên thế giới đang tập trung chế tạo vaccine phòng bệnh.

[Infographic] Cập nhật tình hình dịch virus Corona - nCoV ngày 10/2: 910 người tử vong trên thế giới [Infographic] Cập nhật tình hình dịch virus Corona - nCoV ngày 10/2: 910 người tử vong trên thế giới

VTV.vn - Theo thông tin từ website của Bộ Y tế, tính đến 14h ngày hôm nay (10/2), trên thế giới đã có 910 trường hợp tử vong do nCoV.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước