Ths. Võ Ngọc Diệp - PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao-Thứ bảy, ngày 18/07/2020 06:51 GMT+7
Ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có tuyên bố trình bày lập trường của Mỹ về các yêu sách vùng biển tại Biển Đông. Theo đó, chính quyền Mỹ khẳng định các yêu sách của Trung Quốc đối với các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp.
Tuyên bố ngày 13/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ về các yêu sách vùng biển ở Biển Đông (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ)
Tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Mike Pompeo - nhìn từ góc độ pháp lý
Tiêu đề của tuyên bố ngày 13/7 là "Lập trường của Mỹ về các yêu sách vùng biển tại Biển Đông" (Tuyên bố dùng từ "yêu sách vùng biển" để phân biệt rõ với "yêu sách chủ quyền" hoặc "tranh chấp Biển Đông" nói chung).
Mở đầu, tuyên bố khẳng định: "Yêu sách của Bắc Kinh đối với các tài nguyên xa bờ ở Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, các chiến dịch ‘bắt nạt’ các nước để kiểm soát những nguồn tài nguyên này cũng là bất hợp pháp".
Như vậy, tuyên bố của Mỹ nhằm thẳng vào hành vi yêu sách vùng biển "xa bờ" ở Biển Đông và các hành vi sách nhiễu các quốc gia ven biển của Trung Quốc. Tuyên bố cũng nói rằng các luận điểm của Mỹ "có chung quan điểm với phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông về các yêu sách vùng biển của Trung Quốc".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Ảnh: Reuters)
Tuyên bố đã làm rõ quan điểm của Mỹ về tranh chấp vùng biển ở Biển Đông, nêu ý kiến về những gì Trung Quốc được làm hoặc không được làm ở Biển Đông căn cứ trên luật pháp quốc tế. Nhưng mặt khác, cần phải hiểu chính xác là Mỹ vẫn đang duy trì lập trường trung lập đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Quan điểm của Mỹ về tranh chấp trên Biển Đông và yêu sách của Trung Quốc trước ngày 13/7
Dưới góc độ pháp lý, tranh chấp Biển Đông giữa 5 nước, 6 bên được hiểu là bao gồm (i) tranh chấp chủ quyền đối với các cấu trúc địa lý (đảo, bãi đá, bãi cạn, rạn san hô...) ở Trường Sa và (ii) tranh chấp các vùng biển được tạo ra từ các cấu trúc địa lý nói trên.
Công ước Luật Biển 1982 quy định rõ về khả năng tạo ra các vùng biển của các cấu trúc địa lý trên biển, hay nói cách khác là giới hạn các vùng biển, đi kèm quyền lợi tài nguyên biển trên các vùng biển mà "chủ nhân" của những cấu trúc địa lý đấy được hưởng.
Mỹ tuy không phải một bên trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng đã từ lâu thường xuyên bày tỏ lập trường, quan điểm về tình hình khu vực. Năm 1995, sau sự kiện Trung Quốc chiếm bãi Vành Khăn, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xuất bản tài liệu Chính sách của Mỹ về quần đảo Trường Sa và Biển Đông, theo đó:
(1) Mỹ không ủng hộ bên nào trong tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể ở Biển Đông;
(2) Mỹ ủng hộ giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông thông qua tiến trình ngoại giao và hoan nghênh Tuyên bố ASEAN 1992 về Biển Đông;
(3) Mỹ mong muốn duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông;
(4) Mỹ phản đối bất kỳ yêu sách vùng biển hoặc hạn chế hoạt động trên Biển Đông trái với Công ước Luật Biển 1982;
(5) Mỹ phản đối các hành vi đơn phương gia tăng căng thẳng và sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.
Đây là quan điểm nhất quán của Mỹ liên quan đến tranh chấp Biển Đông cho đến nay. Từ năm 2009, trước những diễn biến mới tại khu vực, Mỹ có thêm một số nội hàm bổ sung.
Thứ nhất, Mỹ có quan điểm rõ ràng về yêu sách vùng biển của từng nước (Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hà Nội năm 2010). Một mặt, Mỹ bác bỏ và phê phán công khai yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, coi đây là loại yêu sách vùng biển trái với các quy định của UNCLOS (ứng với điểm 4 của Tuyên bố 1995). Ví dụ, năm 2014 Bộ Ngoại giao Mỹ phát hành ấn phẩm Limits in the Seas No. 143 phê bình yêu sách đường lưỡi bò dưới góc độ pháp lý.
Bìa ấn phẩm Limits in the Seas No. 143 của Bộ Ngoại giao Mỹ phê phán yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc (2014)
Thứ hai, sau Phán quyết vụ kiện Biển Đông, Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc làm rõ và điều chỉnh yêu sách vùng biển cho phù hợp với Phán quyết và UNCLOS, dừng các hành động sách nhiễu và bất hợp pháp ở Biển Đông như leo thang quân sự, cấm đánh bắt cá... (ứng với điểm 3, 4, 5 của Tuyên bố 1995).
Như vậy, quan điểm xuyên suốt của Mỹ về tranh chấp Biển Đông bao gồm:
- Trung lập trong tranh chấp chủ quyền, nói cách khác, Mỹ không có quan điểm ủng hộ hay đứng về bên nào trong yêu sách chủ quyền các cấu trúc địa lý ở ở Trường Sa.
- Có quan điểm rõ ràng về tranh chấp vùng biển: Phản đối các yêu sách vùng biển mà nước này cho là vi phạm UNCLOS, đặc biệt là đường lưỡi bò của Trung Quốc.
- Duy trì tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Đông.
- Kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, bao gồm việc Trung Quốc chấp nhận và thực thi Phán quyết Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại Hà Nội năm 2010 (Nguồn: New York Times)
Duy trì và làm rõ những quan điểm cũ về tranh chấp Biển Đông
Phân tích chi tiết ba nội dung của tuyên bố dưới góc độ pháp lý cho thấy:
Một là, Mỹ vẫn phản đối các yêu sách vùng biển trái với UNCLOS (tương ứng với điểm 4, Tuyên bố 1995). Phán quyết vụ kiện Biển Đông đã giúp thu hẹp vùng biển có tranh chấp (tối đa 12 hải lý quanh các thực thể nổi bị tranh chấp ở Trường Sa), xác định rõ Trung Quốc không được phép yêu sách vượt quá quy định UNCLOS và bác bỏ hoàn toàn đường lưỡi bò. Trên cơ sở những kết luận đó, Tuyên bố ngày 13/7 đã làm rõ và bổ túc quan điểm của Mỹ trong vấn đề này.
Hai là, Mỹ vẫn duy trì quan điểm trung lập về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông (tương ứng với điểm 1, tuyên bố 1995) và vẫn duy trì ngầm chỉ trích các quốc gia khác yêu sách vùng biển vượt quá quy định của UNCLOS (tương ứng với điểm 4, Tuyên bố 1995).
Hai nội dung này đan xen vào nhau trong từng luận điểm:
Nội dung thứ nhất của tuyên bố phản ánh những nội dung chính của Phán quyết vụ kiện Biển Đông, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines được yêu sách hợp pháp theo UNCLOS. Cụ thể, (i) yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc - dưới hình thức đường đứt đoạn - là hoàn toàn phi pháp; (ii) các cấu trúc địa lý nổi ở Trường Sa không có khả năng tạo ra vùng EEZ và thềm lục địa; (iii) các cấu trúc chìm hoặc lúc nổi lúc chìm không có khả năng tạo ra vùng biển riêng; (iv) các bãi lúc nổi lúc chìm Vành Khăn và Cỏ Mây do nằm trên thềm lục địa của Philippines (được yêu sách hợp pháp từ đường cơ sở quần đảo Philippines) nên được Toà phán quyết thuộc về nước này.
Nội dung thứ hai của tuyên bố đã "khoanh vùng" những khu vực ở Biển Đông mà Trung Quốc không có quyền yêu sách và khai thác dầu khí, đánh cá. Thứ nhất, Mỹ phản đối Trung Quốc yêu sách vùng biển bên ngoài phạm vi 12 hải lý tính từ các cấu trúc nổi ở Trường Sa do các thực thể này không có khả năng tạo ra vùng EEZ và thềm lục địa (theo Phán quyết vụ kiện Biển Đông). Thứ hai, Mỹ phản đối Trung Quốc yêu sách các vùng nước xung quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng nước thuộc vùng EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia); khẳng định các khu vực kể trên không thuộc về Trung Quốc .
Mỹ phản đối Trung Quốc yêu sách vùng biển quá 12 hải lý tính từ các cấu trúc nổi ở Trường Sa nhưng đồng thời làm rõ tuyên bố này "không làm phương hại đến yêu sách chủ quyền của các quốc gia khác tại đây". Hiểu rộng ra, Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền và nếu quốc gia nào có ý định yêu sách vùng biển quá 12 hải lý ở Trường Sa cũng sẽ vấp phải phản đối của Mỹ.
Với bãi Tư Chính, tuyên bố viết bãi Tư Chính nằm ở "ngoài khơi" Việt Nam, thay vì "thuộc Việt Nam" hay "nằm trên thềm lục địa Việt Nam". Cách viết này cho thấy Mỹ không có ý kiến về vấn đề chủ quyền đối với bãi Tư Chính, song tuyên bố vẫn truyền tải rõ thông điệp: "Bãi Tư Chính dù thế nào cũng không thuộc về Trung Quốc".
Nội dung thứ ba liên quan đến quy chế pháp lý của bãi ngầm James - James Shoal (bãi Tăng Mẫu - cấu trúc này không được nhắc đến trong Phán quyết. Tuyên bố của Mỹ không làm rõ bãi Tăng Mẫu có thuộc về thềm lục địa Malaysia hay không (dù chỉ cách Malaysia 50 hải lý), mà chỉ dựa vào đặc tính của bãi chìm để kết luận: Trung Quốc không có quyền yêu sách lãnh thổ đối với bãi James và không có quyền yêu sách vùng biển từ thực thể này. Hiểu rộng ra thì do đặc tính quy chế pháp lý của bãi James, cũng không có quốc gia nào được quyền yêu sách chủ quyền lãnh thổ hay yêu sách vùng biển tính từ bãi này.
Thực chất tuyên bố mới nhất của Mỹ về Biển Đông
Như vậy, Mỹ vẫn luôn có quan điểm rõ ràng về các yêu sách vùng biển ở Biển Đông (phải đúng với UNCLOS và sau này là phải phù hợp với Phán quyết). Mặt khác, Mỹ vẫn luôn trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nói cách khác, bất kể quốc gia nào ở Biển Đông yêu sách vùng biển vượt quá những giới hạn của UNCLOS và trái với những kết luận của Toà về quy chế của các thực thể ở Trường Sa trong vụ kiện Biển Đông đều có thể trở thành đối tượng chỉ trích của Mỹ.
Tóm lại, tuyên bố của Mỹ là một bước đi rất đáng chú ý, đáng hoan nghênh, tiếp thêm sức sống cho Phán quyết vụ kiện Biển Đông trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ Biển Đông. Tuy nhiên, cần nhìn nhận khách quan rằng tuyên bố là sự bổ túc cho những quan điểm trước đây và không thực sự là "bước chuyển mạnh mẽ" hay "từ bỏ quan điểm trung lập" như một số ý kiến nhận định.
Thạc sĩ Võ Ngọc Diệp - Thạc sĩ Luật tại Đại học Sydney, hiện đang là cán bộ nghiên cứu tại Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao.
Thạc sĩ Võ Ngọc Diệp Thạc sĩ Võ Ngọc Diệp
PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao là thành viên Uỷ ban Luật pháp quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc (ILC).
PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!