Nói về quan hệ giữa Anh và EU, một tờ báo của Pháp cho rằng, đây là "một cuộc hôn nhân nhiều lý trí hơn là tình cảm". Mối quan hệ Anh - EU đã tồn tại 44 năm, trải qua nhiều khó khăn, nhiều thăng trầm, và nhiều lần "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Và hôm nay, 29/3, nước Anh sẽ bắt đầu quá trình "chia tay".
Phải đến lần đề đạt thứ ba, vào năm 1973, Anh mới được gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu EEC, tiền thân của Liên minh châu Âu bây giờ. Hai lần đề đạt trước đó vào năm 1963 và năm 1967 đều bị Pháp dùng quyền phủ quyết để khước từ.
Nhưng chỉ 2 năm sau khi gia nhập EEC, Anh đã tổ chức trưng cầu ý dân về việc rời khỏi EEC. Tuy nhiên, 67,2% người dân bỏ phiếu không ủng hộ. Là thành viên EU, nhưng Anh đã không ít lần bác bỏ những chính sách của khối này.
Nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, lên nắm quyền năm 1979, đã bắt tay vào sửa chữa chuyện mà bà xem là bất công với nước Anh: phần đóng góp của Vương quốc Anh vào châu Âu luôn nhiều hơn phần được nhận lại. Đến năm 1984, Thủ tướng Magaret Thatcher đàm phán thành công thỏa thuận cắt giảm ngân sách giữa Anh và cộng đồng Kinh tế châu Âu.
Năm 1990 Anh gia nhập Hệ thống tiền tệ châu Âu nhưng lại rút ra sau 2 năm. Năm 1995, Anh từ chối tham gia Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone và Hiệp ước tự do đi lại Schengen.
Năm 2011, Anh từ chối ký Hiệp ước về tài khóa và ngân sách do EU đưa ra nhằm khắc phục những vấn đề tài chính mà nước này gặp phải trong cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ 2008-2009.
Và ngày 23/6/2016, quan hệ Anh - EU đổ vỡ khi cuộc trưng cầu ý dân đã cho kết quả gần 52% cử tri Anh chọn Brexit, tức là rời khỏi EU.
Ngày hôm nay, 29/3/2017, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, khởi động tiến trình để nước Anh ra đi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!