Đây là một trong những tốc độ tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong gần 50 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu được nhận định là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cũng như các tác động từ khủng hoảng thị trường bất động sản.
Trong quý IV/2022, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có vào cuối năm 2022, với xuất khẩu giảm trong tháng 12, do nhu cầu toàn cầu giảm và những hạn chế nhằm kiểm soát dịch COVID-19 đã gây trở ngại cho hoạt động kinh tế.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 12/2022 tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán lẻ giảm 1,8%.
Sau khi mở cửa vào cuối năm ngoái, Trung Quốc vẫn đang đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng, gây quá tải cho các bệnh viện và gây áp lực lên nhân viên y tế. Trong khi đó, các vấn đề của lĩnh vực bất động sản vẫn là trở ngại cho tăng trưởng kinh tế nước này.
Ông Kang Yi - Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho rằng: "Môi trường quốc tế hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, đà tăng trưởng của kinh tế thế giới đang chậm lại, tình hình thương mại toàn cầu không khả quan, kinh tế thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng 'lạm phát đình trệ'. Nền tảng để kinh tế Trung Quốc phục hồi chưa đủ vững chắc, còn khá nhiều thách thức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Năng lực đổi mới công nghệ chưa đủ mạnh, người dân còn khó khăn về việc làm. Điều này đòi hỏi những nỗ lực lớn để cải thiện tổng thể nền kinh tế".
Quyết tâm vượt qua thách thức
Trung Quốc đặt mục tiêu đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng bình thường ngay năm 2023. Gần đây, nhiều biện pháp quản lý được nới lỏng với các Tập đoàn công nghệ Alibaba, Tencent, Gã khổng lồ gọi xe Didi Chuxing. Có những dấu hiệu nới lỏng cho doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu bất động sản cùng các chính sách để kích thích thị trường.
Năm 2023, Trung Quốc sẽ tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và vừa kích cầu tiêu dùng. Chuyên gia nhận định cho rằng chính phủ cần nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ, ưu tiên hỗ trợ hộ gia đình và kích cầu tiêu dùng.
Morgan Stanley gần đây đã nâng dự báo GDP Trung Quốc năm nay từ 5,4% lên 5,7%. Sự lạc quan đến từ chính sách mở cửa cũng như kỳ vọng chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các tỉnh thành Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm nay trung bình 6%, riêng các trung tâm kinh tế lớn từ 5-5,5%.
Mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của các địa phương Trung Quốc đặt ra trong năm nay cho thấy động lực phát triển của các địa phương tại nước này. Theo các chuyên gia, với sự hỗ trợ của một loạt chính sách, nền kinh tế Trung Quốc sẽ được thúc đẩy nhiều hơn bởi nhu cầu trong nước, thúc đẩy tiêu dùng và ổn định đầu tư sẽ trở thành động lực chủ yếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!