Tên lửa Tianlong-3 của Space Pioneer đã bị rơi sau khi rời khỏi bệ phóng trong một cuộc thử nghiệm (Ảnh: Cover News)
Sự cố tên lửa rơi xảy ra khi tầng đầu tiên của tên lửa Thiên Long-3 bị tách ra khỏi bệ phóng trong quá trình thử nghiệm do lỗi kết cấu. Tên lửa Thiên Long-3 đã rơi xuống một khu vực đồi núi tại thành phố Củng Nghĩa ở miền Trung Trung Quốc.
Công ty Space Pioneer - còn được gọi là Công ty công nghệ Thiên Binh Bắc Kinh, một công ty hàng đầu trong lĩnh vực tên lửa thương mại, chuyên về tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng - cho biết: "Do lỗi kết cấu kết nối giữa thân tên lửa và bệ phóng thử nghiệm, tên lửa trong giai đoạn đầu đã bị tách khỏi bệ phóng và lao lên. Sau khi cất cánh, máy tính trên tàu tự động tắt và tên lửa rơi xuống vùng núi sâu cách bệ phóng 1,5 km về phía Tây Nam. Thân tên lửa bị rơi xuống núi và vỡ nát".
Công ty cho biết không có trường hợp thương vong do sự cố vì người dân trong khu vực đã được sơ tán trước vụ thử tên lửa.
Bệ phóng tên lửa Thiên Long-3 trong một cuộc thử nghiệm trên mặt đất (Ảnh: Business Standard)
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, vào tháng 4/2023, Space Pioneer đã phóng thành công tên lửa Thiên Long-2, trở thành nhà điều hành tư nhân đầu tiên của Trung Quốc phóng tên lửa mang chất lỏng vào vũ trụ và đi vào quỹ đạo thành công.
Thiên Long-3 - tên lửa bị rơi hôm 30/6 - là tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng lớn. Nó được chế tạo ra để hỗ trợ xây dựng mạng lưới Internet vệ tinh của Trung Quốc.
Theo Space Pioneer, hiệu suất sản phẩm của tên lửa này có thể so sánh với Falcon 9 của SpaceX, đồng thời cho biết thêm rằng sẽ có khả năng phóng tên lửa hơn 30 lần mỗi năm sau lần phóng tên lửa thành công đầu tiên.
Vụ tai nạn xảy ra chỉ vài ngày sau khi module mặt trăng Chang'e-6 của Trung Quốc quay trở lại Trái đất từ không gian - nơi nó thu thập các mẫu đầu tiên từ khu vực phía xa của mặt trăng.
Sứ mệnh này là một cột mốc quan trọng trong "giấc mơ vĩnh cửu" của Trung Quốc - như nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu rõ - nhằm đưa đất nước này trở thành một cường quốc không gian và diễn ra trong bối cảnh một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ, cũng tăng cường triển khai các chương trình khám phá mặt trăng của riêng họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!