Hình ảnh tảng băng hình ngón tay A-76 tách ra khỏi Nam Cực do vệ tinh Copernicus Sentinel chụp lại. (Ảnh: Reuters)
Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, tảng băng hình ngón tay này dài khoảng 170 km và rộng 25 km, được vệ tinh phát hiện khi nó di chuyển từ phía Tây của thềm băng Ronne tại Nam Cực. Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, núi băng này hiện đang trôi tự do trên biển Weddell, một vịnh lớn ở phía Tây Nam Cực.
Tảng băng trôi có diện tích khoảng 4.320 km2, là tảng băng lớn nhất thế giới hiện nay và được đặt tên là A-76 theo góc phần tư Nam Cực, nơi nó được phát hiện lần đầu tiên và được chụp bởi Copernicus Sentinel, sứ mệnh quan sát Trái đất từ Chương trình Copernicus của Liên minh châu Âu gồm chùm 2 vệ tinh quay quanh vùng cực của Trái đất. Ảnh chụp từ 2 vệ tinh đã xác nhận một phát hiện trước đó được thực hiện bởi Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, tổ chức đầu tiên nhận thấy tình trạng tách ra của tảng băng này.
Do thềm băng mà núi băng trôi này tách ra trôi nổi trên mặt nước, sự kiện này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến mực nước biển. Tuy nhiên, theo Trung tâm Dữ liệu băng tuyết quốc gia (NSIDC), các thềm băng giúp làm chậm dòng chảy của sông băng và dòng băng ra biển, do đó việc mất đi các phần của thềm băng sẽ góp phần làm cho mực nước biển dâng cao.
Tảng băng trôi A-76 có diện tích khoảng 4.320 km2. (Ảnh: Cơ quan Vũ trụ châu Âu)
NSIDC cũng cho biết, lục địa Nam Cực, nơi đang ấm lên với tốc độ nhanh hơn bất kỳ phần còn lại nào của Trái đất, chứa đủ nước đóng băng để nâng mực nước biển toàn cầu lên 60 m. Các nhà khoa học không cho rằng, tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã dẫn đến sự nứt vỡ của A-76 hoặc núi băng trôi trước đó mang tên A-74.
Bà Laura Gerrish, nhà nghiên cứu tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, cho biết: “Tình trạng A76 và A74 nứt vỡ và tách ra chỉ là một phần của chu kỳ tự nhiên trên các thềm băng. Điều quan trọng là phải theo dõi tần suất nứt vỡ của tất cả các tảng băng trôi".
Các vệ tinh sẽ tiếp tục theo dõi tảng băng vừa tách ra giống như đã thực hiện đối với A-68A, núi băng trôi lớn nhất thế giới trước đó. Sau khi tách ra khỏi lớp băng ở Nam Cực vào năm 2017, A-68A đã bị cuốn trôi bởi các dòng hải lưu vào năm 2020 và suýt va chạm với đảo Nam Georgia, nơi sinh sản của hải cẩu và chim cánh cụt. Trước đó, Live Science đã đưa tin, núi băng này sau đó đã vỡ ra thành hàng chục mảnh trước khi có thể va chạm và gây ra bất kỳ thiệt hại nào.
Thềm băng Ronne, nơi sinh ra tảng băng trôi gần đây, hầu như không bị ảnh hưởng bởi dòng nước ấm làm gián đoạn chu kỳ nứt vỡ và tăng sinh băng tự nhiên của Nam Cực. Tuy nhiên, không phải tất cả các khu vực ở Tây Nam Cực đều may mắn như vậy. Live Science đưa tin vào tháng 4 rằng, tại sông băng Thwaites ("Sông băng của Ngày tận thế"), băng được phát hiện đang tan chảy nhanh hơn so với dự kiến trước đó. Điều này là do một dòng hải lưu ấm từ phía Đông len lỏi đến các "điểm chốt" quan trọng giúp "neo" băng vào với đất liền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!