Hiện trường vụ tấn công bằng dao ở Wuerzburg. (Ảnh: AP)
Đại diện cơ quan cảnh sát thành phố Wuerzburg cho biết: "Nghi phạm thực hiện vụ tấn công bằng dao đã bị khống chế sau khi cảnh sát sử dụng súng. Một số người đã bị thương cũng như tử vong". Hiện động cơ gây án của nghi phạm chưa được xác định.
Các hãng thông tấn của Đức đưa tin rằng, nghi phạm đã dùng dao tấn công những người ở trung tâm thành phố Wuerzburg.
Tờ Bild đưa tin, cảnh sát địa phương đã bắt giữ người đàn ông sau khi bắn vào chân đối tượng này. Tờ Bild cho biết thêm rằng, ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ tấn công.
Hiện động cơ và danh tính đầy đủ của thủ phạm thực hiện vụ tấn công vẫn chưa được xác định. Đức đã nâng mức cảnh giác an ninh cao độ sau khi một số vụ tấn công chết người của lực lượng Hồi giáo cực đoan diễn ra.
Xe cảnh sát đến hiện trường một vụ tấn công ở Wuerzburg, Đức. (Ảnh: AP)
Các phần tử Hồi giáo đã thực hiện một số vụ tấn công ở Đức trong những năm gần đây. Vụ việc gây chết người nhiều nhất là vụ tấn công bằng xe tải tại một khu chợ Giáng sinh ở Berlin vào tháng 12/2016 khiến 12 người thiệt mạng. Kẻ tấn công là người Tunisia, đối tượng này xin tị nạn tại Đức nhưng không được phê chuẩn, là người ủng hộ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Gần đây hơn, một người đàn ông đã thiệt mạng và một người khác bị thương nặng trong một vụ tấn công bằng dao ở thành phố Dresden vào tháng 10/2020. Một chiến binh thánh chiến 20 tuổi người Syria đã bị kết án tù án chung thân vì thực hiện vụ tấn công giết người.
Vào tháng 8/2020, 6 người đã bị thương trong một loạt vụ đâm xe trên đường cao tốc ở Berlin. Các công tố viên Đức coi đây là một vụ tấn công do lực lượng khủng bố Hồi giáo thực hiện.
Cảnh sát tại hiện trường vụ tấn công bằng dao. (Ảnh: AP)
Theo cơ quan an ninh Đức, từ năm 2015 đến 2018, số lượng người Hồi giáo bị coi là nguy hiểm ở Đức đã tăng mạnh. Tuy nhiên, con số này đã giảm kể từ đó, theo số liệu mới nhất, chỉ có 615 được coi là nguy hiểm so với con số 730 người vào tháng 1/2018. Trong đó, có 521 người "thu hút sự chú ý của các dịch vụ bảo vệ nhưng chưa đến giai đoạn bị coi là nguy hiểm".
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cho phép hơn 1 triệu người tị nạn tại nước này kể từ năm 2015. Bên cạnh các cuộc tấn công của chiến binh Hồi giáo, còn có những cuộc tấn công của những đối tượng khác.
Vào tháng 10/2017, một người đàn ông cầm dao đã bất ngờ tấn công những người qua đường ở trung tâm Munich, khiến 8 người bị thương. Cảnh sát Đức đã loại bỏ động cơ khủng bố sau khi bắt giữ thủ phạm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!