Tại sao vẫn chưa có vaccine phòng chống MERS?

Thùy Hương (Theo Reuters)-Thứ ba, ngày 16/06/2015 11:41 GMT+7

VTV.vn - 3 năm sau khi virus MERS-CoV xuất hiện, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra vaccine hữu hiệu để ngăn ngừa loại virus chết người này.

Những thông tin về loại virus gây ra hội chứng suy hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) không có nhiều, một phần vì sự kín tiếng của Saudi Arabia – quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận sự bùng phát của dịch bệnh này vào năm 2012.

Tuy nhiên, các nhà khoa học biết rõ một điều rằng MERS-CoV có nhiều điểm tương đồng với virus SARS, đều bắt nguồn từ loài dơi, có liên hệ với loài lạc đà và có thể lây truyền từ người sang người. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng nắm rõ cấu trúc phân tử của loại virus chết người này.

Đó là tất cả thông tin khoa học cần thiết để các nhà nghiên cứu bắt tay vào công việc chế tạo vaccine. Thế nhưng, cho tới nay, công việc này vẫn chưa được tiến hành.

Rắc rối nằm ở chỗ, các hãng dược phẩm lớn không thật sự chắc chắn về tính kinh tế của việc chế tạo loại vaccine này và chưa có quốc gia nào cung cấp nguồn lực tài chính để tiến hành nghiên cứu chế tạo vaccine chống lại virus MERS-CoV.

“Câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta còn phải đợi bao lâu nữa cho tới khi các nhà khoa học nghiêm túc chế tạo vaccine?” – Giáo sư Adrian Hill của Đại học Oxford nói với tâm trạng bức xúc.

“Chưa có dấu hiệu nào cho thấy MERS-CoV sẽ biến mất. Loại virus này đã có mặt trên Trái Đất từ năm 2012 và giờ đây, chúng ta đã nắm trong tay những bằng chứng cụ thể cho thấy nó có khả năng lây truyền từ người sang người”.

Với 3 trường hợp tử vong và 4 ca nhiễm mới được ghi nhận vào sáng nay (16/6), tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã có tổng cộng 154 bệnh nhân dương tính với virus MERS-CoV và 19 người tử vong.

Phần lớn các ca phơi nhiễm virus MERS-CoV và tử vong nằm ở Saudi Arabia – quốc gia có hơn 1.000 người nhiễm bệnh kể từ năm 2012 và 454 trường hợp tử vong.

Hiện, đã có ít nhất 25 quốc gia ghi nhận các ca nhiễm MERS, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Anh. MERS với những triệu chứng như ho, sốt cao và khó thở có thể dẫn tới viêm phổi và suy thận nặng.

Các nhà khoa học nghi ngờ virus MERS-CoV có thể đã thâm nhập vào nhiều quốc gia mà không bị phát hiện, bởi virus này có các triệu chứng thường gặp như những căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi.

Tỷ lệ tử vong cao

Theo số liệu của WHO, MERS có tỷ lệ tử vong lên tớn 38%, cao hơn nhiều so với SARS. Tuy nhiên, khả năng lây lan của MERS từ người sang người lại kém hơn SARS – dịch bệnh từng cướp đi sinh mạng của hơn 800 người trên toàn thế giới.

“Có khả năng, Hàn Quốc sẽ kiểm soát được dịch bệnh” – Giáo sư Adrian Hill nói – “Thế nhưng, liệu chúng ta có nên mạo hiểm? Câu trả lời là không. Vậy, chúng ta có nên tiến hành chế tạo vaccine phòng chống MERS? Tất nhiên là có. Và ai là người có thể chi trả cho công việc nghiên cứu chế tạo vaccine? Chính là Saudi Arabia. Tóm lại, giờ đây chúng ta cần làm gì? Chúng ta cần bắt đầu ngay vào việc chế tạo vaccine thay vì ngồi đó chờ dịch bệnh hoành hành”.

Hiện nay, mới chỉ có một số phòng nghiên cứu nhỏ như Greffex, Inovio, Novavax bắt tay vào công việc này và nghiên cứu của họ vẫn đang trong giai đoạn tiền lâm sàng. Trong khi đó, các đại gia trong ngành dược phẩm như GlaxoSmithKline (GSK) lại đang chỉ theo dõi diễn biến của dịch bệnh mà vẫn chưa có bất cứ động thái nào cụ thể để tiến hành nghiên cứu và tìm ra vaccine.

“Chúng tôi không có một chương trình nghiên cứu MERS cụ thể nhưng chúng tôi đang nghĩ xem mình cần làm gì nếu bệnh dịch này trở nên nghiêm trọng” – ông Ripley Ballou, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở GSK, người có công trong việc chế tạo vaccine chống Ebola phát biểu - “Có một danh sách các dịch bệnh đe dọa tới tính mạng con người và MERS đang đứng đầu danh sách này”.

Hàn Quốc: Nhiều trường học mở cửa trở lại bất chấp dịch Mers Hàn Quốc: Nhiều trường học mở cửa trở lại bất chấp dịch Mers

VTV.vn - Nhiều trường học tại Hàn Quốc đã mở cửa trở lại bất chấp mối đe dọa từ dịch bệnh Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông MERS.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước