Tại sao truyền thông đặc biệt quan tâm tới vụ khủng bố ở Paris?

Thùy Hương (Theo Washington Post)-Thứ ba, ngày 17/11/2015 13:59 GMT+7

Tháp Eiffels được thắp sáng với 3 màu đỏ, trắng, xanh của quốc kỳ Pháp trong ngày 16/11 (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Đây có lẽ là câu hỏi được nhiều người quan tâm trong những ngày qua. Có thể, các bạn sẽ tìm thấy lý do truyền thông quan tâm tới vụ khủng bố ở Paris qua bài viết dưới đây.

Những ngày qua, truyền thông thế giới không ngừng đưa tin về vụ khủng bố kinh hoàng xảy ra tại Paris vào hôm 13/11. Sự kiện đẫm máu này cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng và cộng đồng mạng. Trên các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook và Twitter, người dùng cũng đổi avatar cá nhân để thể hiện sự cảm thông cũng như ủng hộ đối với người dân Pháp.

Nhưng, tại sao dư luận lại quan tâm tới vụ tấn công này đến thế? Tại sao không phải là vụ đánh bom tự sát xảy ra trước đó một ngày tại Lebanon hay vụ thảm sát hơn 100 sinh viên đại học ở Kenya xảy ra vào đầu năm 2015?

Một số nhà phân tích đã chỉ trích báo chí phương Tây là phân biệt chủng tộc. Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng mạng sống tại các quốc gia Ả Rập rẻ mạt hơn mạng sống của những người dân phương Tây. Sau vụ khủng bố ở Paris, có lẽ, nhiều người cũng phải thừa nhận đang tồn tại sự ưu tiên trong báo chí. Các chuyên gia cho biết báo chí Mỹ thường chỉ đưa tin về các vụ khủng bố nếu có sự xuất hiện của nạn nhân mang quốc tịch Mỹ. Giới truyền thông cũng thường chỉ đăng tải thông tin về những thảm họa xảy ra ở các quốc gia thịnh vượng.

Tuy nhiên, phải chăng vụ khủng bố ở Paris xuất hiện nhiều trên mặt báo chỉ vì sự ưu ái của giới truyền thông?

Tin tức là gì?

Có 2 điều quan trọng bạn cần nắm rõ về cách báo chí lựa chọn sự ưu tiên trong việc đăng tin.

Đầu tiên, tin tức có thể được hiểu là những thứ mang tính bất thường. Một sự thật hiển nhiên như việc ‘chó cắn người’ sẽ không được coi là một mẩu tin nhưng nếu ngược lại, là ‘người cắn chó’ thì đây sẽ được coi là một tin tức. Đó không phải là đánh giá về tầm quan trọng của việc người bị chó cắn mà về những thứ gọi là sự bất ngờ.

Thứ hai, báo chí bị chi phối bởi người đọc. Con người thường hứng thú với những sự vật, sự kiện có thể ảnh hưởng tới cá nhân họ. Nếu độc giả cảm thấy hứng thú với một sự kiện, chắc chắn sự kiện đó sẽ xuất hiện trên mặt báo nhiều hơn những sự kiện khác.

Trên cơ sở đó, dưới đây là một số lý do tại sao vụ tấn công đẫm máu tại Paris lại gây thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới truyền thông.

Pháp là một mục tiêu tấn công bất thường

Một trong những lý do khiến vụ khủng bố hôm 13/11 tại Paris thu hút sự chú ý của quốc tế đến vậy là vì Pháp không thường xuyên phải đối mặt với khủng bố nhiều như các quốc gia khác, cụ thể ở đây là Lebanon hay Kenya.

Năm 2014, Lebanon đã chứng kiến hơn 200 vụ tấn công khủng bố, giết chết 114 người, theo thống kê từ cơ sở dữ liệu chống khủng bố toàn cầu. Cũng trong năm 2014 tại Kenya đã xảy ra hơn 100 vụ khủng bố, giết chết hơn 300 người.

Trong khi đó, tại Pháp, số lượng người thiệt mạng vì khủng bố trong năm 2014 chỉ là 1 người.

Đối với người dân Pháp, 2015 là một năm đẫm máu hơn bao giờ hết với hàng loạt các vụ tấn công khủng bố mà mở đầu là cuộc thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo vào tháng 1 vừa qua.

Paris là điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế

Cuộc tấn công xảy ra ở Paris đã gây ra một cú sốc lớn đối với những người đã, đang và sẽ lên kế hoạch đặt chân tới thành phố hoa lệ này. Các kẻ khủng bố luôn luôn tìm kiếm các mục tiêu và có mục tiêu nào ‘hấp dẫn’ bằng những điểm đến thu hút khách du lịch. Nếu tiếp tục hứng chịu những vụ khủng bố kinh hoàng, nền kinh tế Pháp có thể sẽ chịu hậu quả nặng nề do sự sụt giảm của ngành công nghiệp du lịch.

Cũng bởi Paris là một điểm đến nổi tiếng nên người dân trên thế giới thường có xu hướng quan tâm tới những vụ bạo lực, tấn công xảy ra tại đây, đặc biệt là khi du khách và người nước ngoài thiệt mạng. Được biết, ít nhất 25 người nước ngoài đã thiệt mạng trong vụ tấn công tại Paris hôm 13/11.

Dân thường là mục tiêu của các cuộc tấn công gây sốc

Điểm đặc biệt trong vụ tấn công ở Paris đó là chiến thuật tấn công nhằm vào những người dân vô tội. Thay vì nhắm tới một nhóm người cụ thể, chiến thuật này dường như hướng tới tất cả mọi người.

Những kẻ đánh bom tự sát nhắm tới State de France – sân vận động chật kín người, trong đó có cả Tổng thống Pháp Francois Hollande. Tuy nhiên, may mắn thay, chúng chỉ giết hại được một người dân. Trong khi đó, các vụ khủng bố khác diễn ra cùng thời điểm, tại các quán bar, nhà hàng và ở rạp hát Bataclan lại mang đến con số thương vong lớn hơn.

Có thể nói, vụ khủng bố này đã gây nên nỗi khiếp sợ khác thường bởi chúng không nhắm tới một nhóm người cụ thể như sinh viên, các quan chức chính phủ… mà mục tiêu là tất cả mọi người, không chừa một ai. Đối với nhiều người, một sinh mạng mất đi theo cách này không bi thảm hơn một sinh mạng mất đi trong chiến tranh, tuy nhiên, xét về khía cạnh tin tức, mất mát này lại có nhiều giá trị hơn bởi nó khác lạ.

Pháp – một chiến trường mới của Nhà nước Hồi giáo?

Vụ khủng bố ở Paris khiến dư luận sôi sục bởi nó cho thấy sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo. Trước đây, Nhà nước Hồi giáo chủ yếu tấn công Syria, Iraq và các quốc gia láng giềng, trong đó có Lebanon, chính vì vậy, một số chuyên gia cho rằng đối với phần còn lại của thế giới, chúng ít nguy hiểm hơn al-Qaeda. Thậm chí, chỉ 3 tháng trước, New York Times từng tuyên bố: “Những người lãnh đạo của Nhà nước Hồi giáo cho biết họ chưa ưu tiên tổ chức những cuộc tấn công vào các quốc gia phương Tây”.

Tuy nhiên, sau những gì xảy ra ở Paris hôm 13/11, suy nghĩ này có lẽ cần phải được xem xét lại. Dường như, Nhà nước Hồi giáo đang vươn vòi tới những quốc gia hiếm khi phải đối mặt với các cuộc khủng bố, ví dụ điển hình là nước Pháp.

Theo các nhà chức trách Pháp, chính các nhà lãnh đạo của Nhà nước Hồi giáo là ‘đạo diễn’ của cuộc tấn công vừa qua. Điều này khác xa với những cuộc tấn công nhỏ lẻ, riêng rẽ từng xảy ra ở một số quốc gia phương Tây trong năm qua.

Không chỉ nhận trách nhiệm cho vụ khủng bố đẫm máu ở Paris, Nhà nước Hồi giáo tuyên bố sẽ thực hiện nhiều cuộc tấn công khác trên khắp thế giới mà điểm đến tiếp theo được hứa hẹn là London. Với việc mở cửa đón nhận làn sóng người nhập cư ồ ạt, phần đông trong số này đến từ Syria, châu lục già nhiều khả năng đang nằm trong tình trạng nguy hiểm.

Cuộc tấn công có sự phối hợp giữa nhiều bên

Điều mà nhiều chuyên gia nhận thấy trong vụ khủng bố ở Paris là việc Nhà nước Hồi giáo đang dần chuyển từ hình thức tấn công đơn lẻ sang tấn công tập trung, có sự phối hợp và lên kế hoạch kỹ lưỡng.

Với hình thức tấn công này, các nhóm khủng bố phải tìm được những chiến binh nằm vùng trung thành và có khả năng qua mắt các nhà chức trách. Lên kế hoạch và trao đổi thông tin trong đám đông mà không bị phát hiện là việc thực sự khó đối với những kẻ khủng bố, đặc biệt là ở một đất nước có kỹ thuật an ninh tối tân như Pháp.

Việc nhận ra sự thay đổi trong cách thức tiến hành khủng bố của Nhà nước Hồi giáo đang khiến châu Âu cũng như toàn thế giới lo ngại. Giờ đây, bất cứ đâu cũng có thể trở thành một Paris thứ 2.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước