Tại sao tòa án Pháp yêu cầu tiếp tục sự sống cho bệnh nhân sống thực vật?

Mỹ Linh (Phóng viên THVN tại Pháp)-Thứ năm, ngày 23/05/2019 05:33 GMT+7

Nguồn ảnh: NewsBeezer.

VTV.vn - Tại sao bệnh viện lại rút các thiết bị hỗ trợ sự sống của anh Lambert, trong khi chỉ vài giờ sau, tòa án phán quyết ngược lại. Phải chăng bệnh viện đã làm sai luật?.

Quyền được chết nhân đạo đang là một chủ đề gây tranh cãi tại Pháp, liên quan tới trường hợp của bệnh nhân Vincent Lambert đã sống thực vật một thập kỷ. Vào ngày 20/5 vừa rồi, phía bệnh viện đã bắt đầu ngừng duy trì sự sống cho bệnh nhân này. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, tòa án phúc thẩm Paris đã ra lệnh nối lại các biện pháp hỗ trợ để Lambert tiếp tục sống.

Người đàn ông 42 tuổi này bị tổn thương não nghiêm trọng sau một vụ tai nạn giao thông năm 2008. Theo đề nghị của vợ và một số người thân, cũng như phù hợp với luật hiện hành của Pháp, các bác sĩ đã ngừng hỗ trợ sự sống cho Lambert. Song điều này đã vấp phải sự phản đối của cha mẹ Lambert và họ đã theo đuổi vụ kiện trong suốt 5 năm qua. Phán quyết mới nhất từ tòa phúc thẩm Paris quy định rằng, bệnh viện phải tiếp tục duy trì sự sống cho bệnh nhân này.

Phóng viên Mỹ Linh - phóng viên THVN tại Pháp - thông tin thêm về vụ việc: "Phải khẳng định luôn rằng bệnh viện không thể tự ý đưa ra quyết định này. Đầu tiên nó là nguyện vọng của Rachel Lambert, vợ của Vincent Lambert, người được tòa án công nhận quyền giám hộ cho chồng và nhiều thành viên khác trong gia đình của anh. Từ năm 2014, vợ của Vincent đề nghị áp dụng luật Leonetti - luật này cho phép ngừng điều trị và dùng thuốc ngủ sâu dành cho bệnh nhân không thể tiếp tục cứu chữa từ nhiều thời gian. 

Tháng 5 năm 2019, Tòa án Hành chính của Châlons-en-Champagne là nơi có bệnh viện đang điều trị cho anh Lambert đã phán quyết cho thực hiện phương pháp ngừng điều trị - tất nhiên vẫn dựa trên luật Leonetti và nguyện vọng của người giám hộ hợp pháp.

Tuy thế, cha mẹ Lambert đã kháng án lên tòa án tối cao Paris và được chấp thuận - lần này có thêm sự ủng hộ của Giáo hoàng Francis và tổ chức những người Công giáo và đảng truyền thống. 

Như vậy, dù bị bác bỏ bản án nhưng bệnh viện đã không làm trái luật. Hiện ở Pháp, Dự luật Quyền được chết vẫn đang tiếp tục được thảo luận, nhất là khi Bỉ và Thuỵ Sĩ là những nước láng giềng đã thông qua luật này. Tôi nghĩ rằng đây là một trường hợp sẽ thúc đẩy quá trình đưa ra phán quyết về Luật quyền được chết một cách rõ ràng hơn tại Pháp". 

Báo chí Pháp cũng đưa tin, một phần nguyên nhân tòa án phúc thẩm Paris yêu cầu duy trì sinh mạng cho bệnh nhân Lambert là vì phía cha mẹ anh đã đưa ra được bằng chứng cho thấy anh vẫn còn có phản xạ với môi trường xung quanh. Như vậy tức là Lambert chưa ở giai đoạn gần cuối của cuộc đời và cần được tiếp tục sự sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước