Một số vùng đất đang hướng đến trở thành mảnh đất không còn nước thải, tức là toàn bộ nước đã qua sử dụng sẽ được xử lý, tái sử dụng tới vòng đời thứ 2, thứ 3, thậm chí nước sẽ chỉ bị mất đi khi bay hơi.
Tại trại lao động Al Naseem tại sa mạc Umm Al Quwain (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), việc đáp ứng đủ nước cho công nhân lao động trong khí hậu khô cằn luôn là yêu cầu sống còn. Vấn đề chỉ được giải quyết ở thời gian gần đây với một hệ thống xử lý, tái sử dụng nước thải được đặt ngay trong trại lao động. Những nguồn nước thải đen kịt trải qua quá trình xử lý sẽ trong trở lại và cứ thế tiếp tục được sử dụng.
Ông Khalid Wang (kỹ sư trưởng Công ty Xử lý nước thải Al Masa, UAE) cho biết: "Một hệ thống như thế này có thể xử lý được khoảng 400 m3 nước thải mỗi ngày, tức là có thể đáp ứng đủ nhu cầu nước cho khoảng 2.500 - 4.000 người. Chất lượng nước thì sạch trong tuyệt đối. Đây cũng mới chỉ là nước được xử lý qua một hệ thống màng lọc. Nếu ta lọc thêm một lần nữa bằng hệ thống R-O, nước sẽ có thể uống được".
Công nghệ xử lý, tái sử dụng nước thải vốn không mới nhưng đã ngày càng hoàn thiện trong những năm gần đây. Khác với trước, các công nghệ mới không còn phải sử dụng hóa chất để xử lý mà sử dụng các màng vi lọc sinh học. Những hệ thống có thể lắp đặt nhỏ gọn và giá thành cũng đang dần giảm đi.
Theo ông Sourav Sripathi (Công ty Xử lý nước thải Al Masa, UAE): "Những công nghệ mới, với những màng siêu vi lọc, đã giúp xử lý hiệu quả hơn nhiều những loại nước ô nhiễm. Chúng tôi kiểm nghiệm thấy rằng nước sau khi xử lý có độ nhiễm vi khuẩn gần như bằng 0".
Tái sử dụng nước thải đang mang đến cho những mảnh đất sa mạc những diện mạo mới. Như tại những ốc đảo nhân tạo với hệ sinh thái xanh được được tạo nên hoàn toàn từ các nguồn nước thải được xử lý.
Ông Khalid Wang cho biết thêm: "Vì phải không sử dụng hóa chất để lọc nước, bùn và các cặn bã hậu xử lý nước thải được chúng tôi tiếp tục sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Những loại phân bón hữu cơ và cũng đã sạch kim loại và các chất ô nhiễm".
Tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, một số mảnh đất như ở Dubai hiện đã tái chế, tái sử dụng được tới 90% lượng nước thải ra, hướng đến năm 2030 sẽ có thể tái chế, tái sử dụng được 100% nguồn nước thải. Nước thải gây ô nhiễm sông ngòi, phá hủy môi trường nhưng ở những mảnh đất vùng Vịnh như tại nơi đây, nước thải không còn được xem là vấn đề mà đang là nguồn tài nguyên không thể bỏ qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!