Cuộc đối đầu thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng. Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn các nguồn thạo tin cho biết Trung Quốc đang cân nhắc biện pháp nhằm vào mặt hàng đậu nành và máy bay nhập khẩu từ Mỹ để đáp trả quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp gói thuế quan trị giá 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nghiêm trọng hơn, đây được dự báo chưa phải là biện pháp đáp trả cuối cùng.
Ngoài việc cân nhắc các biện pháp đáp trả nhằm vào mặt hàng đậu nành và máy bay nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc cũng đang xem xét giảm mua trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ. Động thái này nhiều khả năng sẽ làm leo thang hơn nữa căng thẳng thương mại hiện nay giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tính đến cuối tháng 1, Trung Quốc sở hữu số trái phiếu trị giá khoảng 1.200 tỷ USD do Bộ Tài chính Mỹ phát hành. Lượng cầu đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm có thể khiến lãi suất tại Mỹ tăng cao, ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư và nền kinh tế.
Trước đó, ngày 23/3, Trung Quốc cũng đã cảnh báo sẽ tăng thuế đối với 128 loại mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ với tổng giá trị 3 tỷ USD. Theo đó, Trung Quốc cân nhắc áp thuế 15% đánh vào các sản phẩm như hoa quả khô, rượu vang, ống thép và áp thuế 25% đánh vào các sản phẩm thịt lợn, nhôm tái chế. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa thực hiện ngay biện pháp này mà muốn có thời gian để hai bên thỏa thuận.
Trong tuyên bố đêm qua (25/3) theo giờ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steve Mnuchin tuyên bố, Tổng thống Donald Trump không có ý định rút lại kế hoạch áp gói thuế quan lên tới 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và cũng không ngại một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bất chấp sự đe dọa trả đũa của Bắc Kinh.
Về lý thuyết, nếu được áp dụng thực tế, nền kinh tế Mỹ sẽ mất thêm khoảng 3 tỷ USD để xuất được hàng vào Trung Quốc. Phần thuế này do doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực như nông nghiệp, rượu, hoa quả tươi gánh chịu. Ngược lại, gần 60 tỷ USD tiền thuế đánh vào hàng Trung Quốc mỗi năm sẽ làm đội giá thành các mặt hàng tiêu dùng có dính dáng đến Trung Quốc, vốn cũng đã tràn ngập thị trường Mỹ thông qua các tập đoàn bán lẻ khổng lồ như Amazon và Walmart. Người tiêu dùng Mỹ và công bằng mà nói, cả người lao động Trung Quốc, là những người cuối cùng phải chịu phần thiệt thòi trong cuộc đối đầu thương mại giữa 2 nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!