Liên hợp quốc đã được yêu cầu chấm dứt ngay lập tức sứ mệnh của Phái bộ Hỗ trợ Chuyển tiếp Hợp nhất ở Sudan (UNITAMS), nơi xung đột vũ trang đã bùng phát kể từ giữa tháng 4 giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF).
Chính quyền quân sự ở Sudan đưa ra yêu cầu này trong một bức thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và chuyển tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hãng tin Reuters đưa tin hôm 17/11.
"Chính phủ Sudan yêu cầu Liên hợp quốc chấm dứt ngay sứ mệnh của phái bộ UNITAMS. Đồng thời, chúng tôi muốn đảm bảo rằng Chính phủ Sudan cam kết hợp tác mang tính xây dựng với Hội đồng Bảo an và Ban Thư ký," quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sudan Ali Sadeq viết trong bức thư được Reuters trích dẫn.
Quyết định mới nhất được đưa ra sau khi đặc phái viên Liên hợp quốc tại Sudan và người đứng đầu UNITAMS, Volker Perthes, tuyên bố vào tháng 9 rằng ông sẽ từ chức, hơn ba tháng sau khi giới cầm quyền ở quốc gia Bắc Phi này trục xuất ông.
Sudan yêu cầu lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc rút ngay lập tức. (Ảnh: Access News
Ông Perthes bị cáo buộc "theo đảng phái" trong việc hòa giải các vấn đề chính trị trong nước và làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF).
Giao tranh ở Sudan đã bùng phát tại thủ đô Khartoum vào ngày 15/4 giữa SAF và RSF sau nhiều tuần căng thẳng gia tăng về kế hoạch hợp nhất lực lượng như một phần của quá trình chuyển đổi từ cai trị quân sự sang dân chủ dân sự. Cả hai lực lượng đã hợp tác để tiến hành một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2019 nhằm lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir, người đã nắm quyền trong ba thập kỷ.
Phái bộ UNITAMS được thành lập vào năm 2020 để hỗ trợ Sudan trong quá trình chuyển đổi sang chế độ dân sự trong thời gian 12 tháng, sau đó được gia hạn sau một cuộc đảo chính khác vào năm 2021. Vào tháng 6, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã gia hạn nhiệm vụ của phái bộ này sáu tháng, cho đến ngày 3/12, trong bối cảnh giao tranh tàn khốc trên khắp đất nước, tính đến tháng 9 đã khiến khoảng 9.000 người thiệt mạng.
Ngày 16/11, UNITAMS đã công bố một báo cáo về tình hình Sudan, nêu chi tiết 345 vụ việc bị cáo buộc là vi phạm và lạm dụng nhân quyền, cũng như vi phạm luật nhân đạo quốc tế, ảnh hưởng đến 2.672 nạn nhân, bao gồm cả trẻ em, do cả SAF và RSF gây ra trong khoảng thời gian từ ngày 21/8 đến ngày 31/10.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết: "UNITAMS sẽ tiếp tục thực hiện các chức năng của mình để hỗ trợ những nỗ lực chấm dứt xung đột và chuẩn bị cho sự trở lại của quá trình chuyển đổi chính trị".
Tuy nhiên, theo Reuters, giới cầm quyền Sudan muốn sứ mệnh này phải chấm dứt ngay lập tức do hiệu quả "đáng thất vọng" của UNITAMS.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!