Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc gặp ngày 15/12/2016. (Ảnh: AFP)
1. Tổng thống Nga thăm Nhật Bản
Ngày 15/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm
chính thức Nhật Bản kéo dài 2 ngày.
Chuyến thăm của Tổng thống Nga được đánh giá là thành công
khi hai nước đã ký kết được nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế và mở ra các triển
vọng giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài suốt hàng chục năm qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo
Abe đã chứng kiến lễ ký nhiều văn kiện hợp tác trong 8 lĩnh vực, trong đó có y
tế, công nghệ viễn thông, miễn giảm thị thực cho công dân hai nước, đầu tư của
Nhật Bản vào các mỏ khí đốt và dầu thô ở vùng viễn đông của Nga, hợp tác giải
quyết sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Tổng vốn đầu
tư của phía Nhật Bản vào Nga là 300 tỷ Yen, tương đương gần 3 tỷ USD, trong đó
có sự tham gia của nhiều công ty tư nhân.
Thủ tướng Shinzo Abe đã không nêu ra vấn đề trao trả các hòn
đảo đang tranh chấp mà Nga đang kiểm soát dưới tên gọi Nam Kuril mà Nhật Bản gọi
là vùng lãnh thổ phương Bắc. Tuy nhiên, hai nước nhất trí xem xét triển khai
chương trình khai thác chung quần đảo tranh chấp và tạo điều kiện cho phép những
người dân Nhật Bản từng sống ở 4 hòn đảo này được tự do về thăm quê. Hai nhà
lãnh đạo cũng nhất trí tổ chức chuỗi sự kiện giao lưu văn hóa trong năm 2018,
đưa năm 2018 thành năm của Nga ở Nhật Bản và năm Nhật Bản ở Nga.
Phát biểu sau hội đàm với Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Nhật
Bản Shinzo Abe thừa nhận tranh chấp lãnh thổ là một vấn đề rất khó giải quyết
và ông sẽ phải để lại vướng mắc này cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, các thỏa thuận
đạt được trong cuộc hội đàm lần này đã giúp mối quan hệ Nga - Nhật trở nên gần
gũi hơn bao giờ hết và tạo tiền đề để hai nước ký kết hiệp ước hòa bình.
2. Chiến sự kết thúc ở miền Đông Aleppo, Syria
Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết chiến sự đã kết
thúc ở miền Đông Aleppo, Syria. Quân đội chính phủ đã giành toàn quyền kiểm
soát khu vực này.
Những diễn biến mới nhất được kỳ vọng sẽ giúp chấm dứt 6 năm
nội chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người tại quốc gia Trung Đông
này.
Quân đội chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy cũng đã đạt được một
thỏa thuận ngừng giao tranh và sơ tán tại miền Đông Aleppo, để dân thường và
các tay súng có thể rời khỏi thành phố lớn thứ hai Syria này. Các bên tại Syria
đạt được thỏa thuận này dưới sự bảo trợ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
3. Tổng thống Nga là người quyền lực nhất năm 2016
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục được tạp chí danh tiếng
Forbes của Mỹ bình chọn là nhân vật quyền lực nhất thế giới trong năm 2016.
Đây là năm thứ 4 liên tiếp ông được bình chọn đứng đầu danh
sách này. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người thu hút sự chú ý trong cuộc
cuộc bầu cử vừa qua, xếp ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng.
Top 10 những nhân vật quyền lực nhất thế giới còn có Thủ tướng
Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Giáo hoàng Francis và nhà
sáng lập Facebook Mark Zuckerberg.
4. Bang Wisconsin, Mỹ khẳng định lần nữa chiến thắng của ông
Trump
Bang Wisconsin đã công bố kết quả kiểm lại phiếu, khẳng định
chiến thắng của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tại bang này trong cuộc bầu cử
hồi đầu tháng 11/2016.
Theo kết quả sơ bộ từ Ủy ban bầu cử Wisconsin, sau khi kiểm
lại gần 3 triệu phiếu, khoảng cách chiến thắng của ông Trump với ứng cử viên đảng
Dân chủ Hillary Clinton tăng thêm 131 phiếu phổ thông, lên tới 22.748 phiếu.
Bang Wisconsin đã chính thức kiểm lại phiếu từ ngày 1/12,
sau khi ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Xanh Jill Stein thúc đẩy chiến dịch
kiểm lại phiếu tại 3 bang chiến địa Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. Ngày
12/12, hai thẩm phán Liên bang đã bác đề nghị kiểm lại phiếu tại bang
Pennsylvania và Michigan với lập luận, không có cơ sở để nghi ngờ khả năng tấn
công mạng nhằm thay đổi kết quả bầu cử tại bang này. Cùng ngày, Thượng nghị sĩ
John McCain nhận định, không có thông tin cho thấy, Nga tấn công trang mạng các
tổ chức chính trị ở Mỹ nhằm tác động đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
2016.
5. Chính phủ mới của Italy vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm
Ngày 14/12, Chính phủ liên minh của tân Thủ tướng Italy
Paolo Gentiloni đã tiếp tục vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện với
169 phiếu thuận và 99 phiếu chống.
Các nghị sĩ thuộc đảng đối lập Liên đoàn phương Bắc vẫn tiếp
tục tẩy chay, không tham gia bỏ phiếu. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Phong
trào 5 Sao bỏ phiếu chống. Trước đó, ngày 13/12, Chính phủ của ông Gentiloni
cũng đã giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện với tỷ lệ ủng
hộ 368/105 phiếu.
Với các kết quả trên, tình hình chính trị Italy bước đầu đã
tạm ổn định trở lại, Chính phủ mới giờ đây có thể bắt đầu các nhiệm vụ của
mình. Tuy nhiên, chưa rõ Chính phủ mới sẽ tồn tại được bao lâu trong bối cảnh
các chính đảng đối lập vẫn đang gây sức ép đòi tổ chức tổng tuyển cử sớm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!