Biểu tình yêu cầu phế truất Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tại thủ đô Colombo của Sri Lanka. (Ảnh: AP)
Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Sri Lanka khi đảo quốc này đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chính phủ quản lý tài chính không hiệu quả và giá nhiên liệu tăng cao đã làm giảm nguồn dự trữ ngoại hối.
Phái đoàn do Bộ trưởng Bộ Tài chính Sri Lanka Ali Sabry dẫn đầu đã bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức với IMF tại Washington vào ngày 18/4 về một chương trình hỗ trợ tài chính. Chính phủ Sri Lanka hy vọng, gói hỗ trợ của IMF sẽ giúp tăng lượng dự trữ ngoại hối và thu hút nguồn tài chính cầu nối, qua đó giúp nước này thanh toán cho các hoạt động nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc thiết yếu.
"(Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) đã đưa ra yêu cầu về Công cụ tài trợ nhanh (RFI) để giảm thiểu các vấn đề hiện hữu của chuỗi cung ứng, nhưng IMF ban đầu cho rằng, nó không đáp ứng các tiêu chí của họ", trợ lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính Sri Lanka Sabry, Shamir Zavahir cho biết trên Twitter. "Tuy nhiên, Ấn Độ sau đó đã ủng hộ về RFI cho Sri Lanka và IMF có thể xem xét yêu cầu này do những trường hợp đặc biệt".
Người dân biểu tình trước Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Colombo, Sri Lanka, ngày 18/4. (Ảnh: Bloomberg)
Đầu tháng 4 này, ông Sabry xác nhận, Sri Lanka đang tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính trị giá 3 tỷ USD trong những tháng tới từ nhiều nguồn, bao gồm IMF, Ngân hàng Thế giới và Ấn Độ nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng.
Tuần trước, Ngân hàng trung ương Sri Lanka cho biết đang tạm ngừng trả một số khoản nợ nước ngoài trong khi chờ cơ cấu lại.
Tại thủ đô Colombo của Sri Lanka, các cuộc biểu tình yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức đã kéo dài hơn một tuần qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!