Người dân phong tỏa giao thông nhằm phản đối khủng hoảng kinh tế ở thủ đô Colombo của Sri Lanka. (Ảnh: AP)
Sri Lanka không trả được nợ nước ngoài trong bối cảnh quốc đảo này vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử và các cuộc biểu tình lan rộng đòi Chính phủ từ chức.
Tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng, cùng với việc cắt điện hàng ngày kéo dài đã gây ra nhiều khó khăn cho 22 triệu người tại đất nước này trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ khi Sri Lanka giành được độc lập vào năm 1948.
Sự giận dữ của người dân Sri Lanka đã bùng phát trong những tuần gần đây, khi đám đông cố gắng xông vào nhà của các nhà lãnh đạo chính phủ và lực lượng an ninh phải giải tán đám dông biểu tình bằng hơi cay và đạn cao su.
Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết, nước này đã không trả được tất cả các nghĩa vụ đối ngoại, bao gồm cả những khoản vay từ các chính phủ nước ngoài, trước khi nhận được một gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
"Chính phủ chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp như là biện pháp cuối cùng để ngăn chặn tình trạng tài chính đang ngày càng xấu đi", một thông báo từ Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết.
Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết thêm, các chủ nợ được tự do tận dụng bất kỳ khoản thanh toán lãi suất nào đến hạn hoặc lựa chọn hoàn vốn bằng đồng Rupee Sri Lanka.
Người dân Sri Lanka phải hứng chịu tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng, dẫn đến cắt điện hàng ngày kéo dài. (Ảnh: AP)
Cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka bắt đầu với việc không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, sau khi đại dịch COVID-19 làm sụt giảm doanh thu quan trọng từ du lịch và kiều hối.
Chính phủ Sri Lanka đã áp dụng một lệnh cấm nhập khẩu rộng rãi để bảo tồn dự trữ ngoại tệ của nước này và sử dụng chúng để trả các khoản nợ (hiện đã bị vỡ nợ).
Các nhà kinh tế cho rằng, cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên tồi tệ hơn do sự quản lý yếu kém của Chính phủ Sri Lanka, nhiều năm vay nợ tích lũy và việc cắt giảm thuế không hiệu quả.
Sự thất vọng của người dân đối với Chính phủ Sri Lanka đang lan rộng, với hàng dài người xếp hàng tại đảo quốc này mỗi ngày để mua xăng, gas và dầu hỏa đang rất khan hiếm nhằm phục vụ cho việc nấu ăn hàng ngày.
Hàng nghìn người đã cắm trại bên ngoài văn phòng của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở thủ đô Colombo trong ngày thứ tư liên tiếp của các cuộc biểu tình kêu gọi ông từ chức.
Các tổ chức xếp hạng quốc tế cũng đã hạ hạng Sri Lanka vào năm 2021, ngăn chặn hiệu quả nước này tiếp cận thị trường vốn nước ngoài để tăng các khoản vay mới và đáp ứng nhu cầu về lương thực và nhiên liệu.
Sri Lanka đã tìm cách xin xóa nợ từ Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng thay vào đó cả hai quốc gia này đã đưa ra nhiều hạn mức tín dụng hơn để Sri Lanka mua hàng hóa của họ.
Các số liệu chính thức cho thấy, Trung Quốc và Nhật Bản là hai chủ nợ chính phủ song phương nắm giữ khoảng 10% mỗi khoản nợ nước ngoài của Sri Lanka, trong khi tỷ trọng của Ấn Độ là dưới 5%.
Chỉ dưới một nửa số nợ của Sri Lanka là các khoản vay thị trường thông qua trái phiếu chính phủ quốc tế và các công cụ tương tự khác.
Các ước tính cho thấy, Sri Lanka cần 7 tỷ USD để trả nợ trong năm nay, so với chỉ 1,9 tỷ USD dự trữ vào cuối tháng 3.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!