Bước tiến lớn trong lĩnh vực không gian của Ấn Độ
Ngày 30/12/2024, Ấn Độ đã lần đầu tiên thực hiện sứ mệnh ghép nối vệ tinh không gian trên một tên lửa do chính nước này sản xuất. Sứ mệnh mang tên Space Docking Experiment (SpaDeX) đã được phóng thành công từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan bằng tên lửa PSLV - được mệnh danh là “ngựa thồ” của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO).
Ấn Độ đã chính thức trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc, thử nghiệm ghép nối không gian thành công. Thành tựu này đánh dấu bước tiến quan trọng trong tham vọng vũ trụ của quốc gia Nam Á này.
Thí nghiệm Ghép nối Không gian (SpaDeX), được ISRO triển khai vào ngày 30/12/2024 từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan, đã thành công khi hai vệ tinh Target và Chaser, mỗi vệ tinh nặng khoảng 220 kg, thực hiện việc kết nối trên quỹ đạo. Sau quá trình phức tạp, chúng đã tách ra thành công, khẳng định khả năng ghép nối trong không gian của Ấn Độ.
Ngày 30/12/2024, Ấn Độ đã lần đầu tiên thực hiện sứ mệnh ghép nối vệ tinh không gian trên một tên lửa do chính nước này sản xuất. (Ảnh: ISRO/X)
Các vệ tinh đã chứng minh khả năng truyền năng lượng điện giữa chúng, một yếu tố quan trọng để vận hành robot không gian, điều khiển tàu vũ trụ và phục vụ cho các nhiệm vụ trong tương lai.
Theo các chuyên gia, công nghệ ghép nối sẽ giúp Ấn Độ thực hiện các kế hoạch lớn như đưa công dân lên Mặt trăng, xây dựng trạm vũ trụ và đưa mẫu vật từ Mặt trăng về Trái đất.
Theo nhà vật lý thiên văn Jayant Murthy, để đạt được những sứ mệnh đầy tham vọng, yếu tố công nghệ được đặt lên hàng đầu. Nhiều sứ mệnh như xây dựng trạm vũ trụ cần lắp ráp trong không gian. Điều này không thể thực hiện được nếu không có sự kết nối không gian.
Thành tựu này không chỉ chứng tỏ khả năng công nghệ tiên tiến của Ấn Độ mà còn mở rộng vai trò của quốc gia này trong thị trường không gian toàn cầu, dự kiến sẽ đạt giá trị 400 tỷ USD trong tương lai.
Cuộc đua chinh phục không gian "nóng" từng ngày
Cuộc đua không gian đang trở nên nhộn nhịp bao giờ hết khi ngày 15/1 vừa qua, Tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX cũng đã cùng lúc phóng 2 tàu của Mỹ và Nhật Bản đổ bộ Mặt Trăng, mang theo sứ mệnh khám phá bề mặt Mặt trăng, nghiên cứu bụi Mặt trăng, đặc điểm địa vật lý và tác động của thời tiết không gian…
Tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên hạ cánh trên Mặt Trăng là tàu Odysseus của Intuitive Machines vào tháng 2/2024. Đây là tàu đầu tiên của Mỹ hạ cánh trên Mặt Trăng kể từ các sứ mệnh Apollo vào những năm 1970.
Tên lửa đẩy Falcon 9, mang theo tàu Crew-9 với sứ mệnh đưa các phi hành gia lên Trạm vũ trụ quốc tế, rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Mũi Canaveral ở Florida, Mỹ ngày 28/9/2024. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Nhật Bản cũng thành công với tàu Moon Sniper vào tháng 1/2024, trở thành quốc gia thứ 5 đạt được cột mốc này.
Trong khi đó, tàu thăm dò Hằng Nga 6 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống phần tối của Mặt Trăng và đưa mẫu vật từ bề mặt Mặt Trăng trở về Trái Đất.
2024 là một năm đáng chú ý với nhiều cột mốc quan trọng của chương trình không gian, với những sự kiện lớn từ đầu đến cuối năm. Các công ty và các quốc gia đang cố gắng hạ cánh trên Mặt Trăng (36G24NG) Năm 2024 còn ghi nhận sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân vào ngành không gian.
Chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên thuộc khu vực tư nhân diễn ra khi ông Isaacman trong sứ mệnh Polaris Dawn bay vào không gian.
SpaceX đã thực hiện 138 nhiệm vụ phóng trong năm qua, vượt qua số lần bay của NASA trong suốt 30 năm qua. Tiếp nối những thành tựu trong năm 2024, năm 2025 được dự báo sẽ chứng kiến hàng loạt sứ mệnh lên Mặt Trăng từ nhiều quốc gia.
Các phi hành gia thuộc chương trình Artemis của NASA dự kiến sẽ bay quanh Mặt Trăng mà không cần hạ cánh. Các công ty như FireFly Aerospace và Intuitive Machines đang lên kế hoạch cho các chuyến hạ cánh tiếp theo trên Mặt Trăng. Đặc biệt, Ispace của Nhật Bản cũng sẽ thực hiện nỗ lực hạ cánh lần thứ hai trên Mặt Trăng.
Tàu đổ bộ thông minh khảo sát mặt trăng (SLIM) của Nhật Bản đáp xuống bề mặt Mặt trăng, tháng 1/2024 (Ảnh: Kyodo)
Sau khi gặp thất bại trong lần phóng đầu tiên, công ty Nhật Bản Ispace đang chuẩn bị cho một thử nghiệm mới. Bên cạnh đó, Intuitive Machines, một công ty đến từ Houston, đã thành công trong việc hạ cánh xuống mặt trăng vào năm 2024 và đang lên kế hoạch cho một sứ mệnh thứ hai đến cực Nam của Mặt Trăng.
Tập đoàn Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos cũng có thể trở thành một trong những cái tên nổi bật trong năm 2025. Ngay trong hôm nay, tên lửa khổng lồ New Glenn của tập đoàn hàng không vũ trụ tư nhân Blue Origin đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên lên quỹ đạo. Sự kiện không chỉ đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong hành trình 25 năm của công ty mà còn được xem là lời thách thức mạnh mẽ đối với vị thế thống trị ngành công nghiệp không gian của SpaceX. Về sức mạnh, New Glenn vượt trội với khả năng tải trọng gấp đôi và khoang chứa vệ tinh rộng gấp hai lần so với Falcon 9, giúp tên lửa này có thể vận chuyển nhiều vệ tinh hơn trong mỗi lần phóng.
Tàu vũ Starship của SpaceX rời bệ phóng tại Boca Chica, Texas, Mỹ, ngày 14/3/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong khi đó, SpaceX dự kiến thực hiện tới 25 lần phóng Starship trong năm nay, còn Ấn Độ có kế hoạch thực hiện khoảng 10 lần phóng.
Cạnh tranh giữa các công ty này sẽ thúc đẩy tốc độ phát triển công nghệ, đồng thời giảm chi phí cho các sứ mệnh không gian.
Năm 2025 được dự báo sẽ là một giai đoạn đầy hứa hẹn cho ngành không gian với nhiều sứ mệnh quan trọng và sự tham gia mạnh mẽ từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, nhiều thách thức, mà điển hình là nguy cơ từ mảnh vỡ của các tàu vũ trụ cũng cần được giải quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!