Các tình nguyện viên khiêng quan tài của một người đàn ông thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết ở Peshawar hôm 30/1. (Ảnh: AP)
Vụ đánh bom đền thờ Hồi giáo này được coi là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất ở Pakistan trong nhiều năm qua, khi quốc gia này phải đối mặt với "cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia".
Muhammad Asim Khan, phát ngôn viên của Bệnh viện Lady Reading ở Peshawar, cho biết, ít nhất 100 người đã tử vong sau vụ nổ hôm 30/1 tại nhà thờ Hồi giáo trong khu nhà của cảnh sát.
Cảnh sát nghi ngờ rằng 12 kg (26,5 pound) thuốc nổ đã được sử dụng bởi một kẻ đánh bom tự sát, Tổng thanh tra Cảnh sát Peshawar Moazim Jah Ansari cho biết. Ông Ansari cho biết thêm, vụ tấn công cũng khiến 217 người bị thương.
Một nhân viên cảnh sát sống sót sau vụ nổ, Nasarullah Khan, cho biết, anh nhớ đã nhìn thấy "một ngọn lửa lớn" trước khi bị bao phủ bởi một đám bụi đen. Khan đã bị gãy chân trong vụ nổ và anh bị mắc kẹt trong đống đổ nát trong ba giờ.
"Trần nhà rơi xuống, khoảng trống giữa trần và tường đã giúp tôi sống sót", anh Khan nói.
Trong khi đó, hy vọng tìm kiếm những người sống sót đang cạn dần khi các nhân viên cứu hộ đào bới trong đống đổ nát của nhà thờ Hồi giáo gần như đã bị phá hủy hôm 30/1, nơi những tín đồ, chủ yếu là các nhân viên thực thi pháp luật, đã tập trung để cầu nguyện buổi tối.
Binh lính và cảnh sát dọn đường cho xe cứu thương tới hiện trường vụ nổ hôm 30/1. (Ảnh: AP)
Hình ảnh và video cho thấy, các bức tường của nhà thờ Hồi giáo bị vỡ thành từng mảnh, với các cửa sổ và tấm kính bị phá hủy trong vụ nổ mạnh.
"Chúng tôi không còn hy vọng có bất cứ ai còn sống được tìm thấy", Bilal Faizi, đại diện lực lượng cứu hộ Pakistan, cho biết hôm 31/1.
Vụ nổ hôm 30/1 là dấu hiệu mới nhất cho thấy, tình hình an ninh đang xấu đi ở Peshawar, thủ phủ của tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa bất ổn giáp giới với Afghanistan và là địa điểm thường xuyên xảy ra các cuộc tấn công của lực lượng Taliban Pakistan, được gọi là Tehreek-e-Taliban (TTP).
TTP là một tổ chức khủng bố nước ngoài hoạt động ở cả Afghanistan và Pakistan. Năm 2022, việc phá vỡ lệnh ngừng bắn kéo dài một năm vốn đã lung lay giữa TTP và Chính phủ Pakistan không chỉ đe dọa bạo lực leo thang ở quốc gia này mà còn có khả năng làm gia tăng căng thẳng biên giới giữa Afghanistan và Pakistan.
Hôm 30/1, ban đầu các lãnh đạo TTP Sarbakaf Mohmand và Omar Mukaram Khurasani đã tuyên bố, vụ nổ là "sự trả thù" cho cái chết của chiến binh TTP Khalid Khorasani vào năm 2022.
Tuy nhiên, người phát ngôn chính của TTP sau đó đã phủ nhận nhóm này có liên quan đến vụ tấn công. Người phát ngôn của TTP Muhammad Khorasani cho biết trong một tuyên bố vào tối 30/1: "Liên quan đến vụ đánh bom ở Peshawar, chúng tôi cho rằng cần phải làm rõ rằng Tehreek-e-Taliban Pakistan không liên quan đến vụ việc này. Theo quy dịnh chung của đạo Hồi, bất kỳ hành động tấn công nào trong nhà thờ Hồi giáo, trường học Hồi giáo, khu tang lễ và những nơi linh thiêng khác đều là hành vi phạm tội".
Các nhân viên cứu hộ dọn dẹp đống đổ nát và tìm kiếm các thi thể tại địa điểm xảy ra vụ nổ, ngày 31/1. (Ảnh: AP)
Các nhà chức trách Pakistan cho biết, một cuộc điều tra đang được tiến hành và chưa xác nhận bất kỳ tuyên bố nào.
Tướng Asim Munir, Tham mưu trưởng quân đội Pakistan, đã lên án vụ tấn công và cam kết, thủ phạm sẽ bị đưa ra trước công lý. Ông Munir kêu gọi các chỉ huy Pakistan tập trung vào những hoạt động chống khủng bố, làm việc với các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật trên toàn quốc với "quyết tâm đổi mới", theo một tuyên bố của quân đội Pakistan. Ông cho biết, sự phối hợp này sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được "nền hòa bình bền vững".
Hôm 30/1, Cảnh sát trưởng Peshawar Mohammad Aijaz Khan cho biết, vụ nổ bên trong đền thờ Hồi giáo "có thể là một vụ tấn công liều chết", lặp lại tuyên bố của Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif.
"Việc sát hại tàn bạo những người Hồi giáo đang quỳ trước Thánh Allah là đi ngược lại lời dạy của kinh Qur'an", Thủ tướng Sharif nói, đồng thời thông tin hêm rằng "việc nhắm mục tiêu vào "Ngôi nhà của Thánh Allah" là bằng chứng cho thấy, những kẻ tấn công không liên quan gì đến đạo Hồi".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!