Hơn 39,89 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 với trên 8,3 triệu ca mắc và hơn 224.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 46.500 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới Ấn Độ, trong ngày 17/10, đã có thêm gần 62.100 người nhiễm bệnh, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên hơn 7,4 triệu trường hợp. Đến nay, trên 114.000 người tại Ấn Độ đã thiệt mạng vì dịch COVID-19.
Ngày 17/10, số ca mắc mới COVID-19 tại Brazil lại tăng cao với gần 22.800 trường hợp so với dưới 10.000 bệnh nhân trong các ngày trước đó. Hiện tổng số ca nhiễm tại Brazil là trên 5,2 triệu trường hợp, trong đó hơn 153.600 người đã không qua khỏi.
Một số quốc gia điểm nóng dịch bệnh của Đông Nam Á như Indonesia, Philippines và Malaysia vẫn ghi nhận những diễn biến phức tạp. Bộ Y tế Malaysia thông báo, quốc gia này ghi nhận 869 ca nhiễm mới trong ngày 17/10, vượt mức cao nhất từng được ghi nhận trước đó vào ngày 6/10 với 691 trường hợp. Tính với nay, Malaysia có tổng cộng trên 19.600 ca nhiễm COVID-19.
Ngày 17/10, số ca mắc COVID-19 trong ngày tại Brazil lại tăng cao. (Ảnh: AP)
Indonesia ghi nhận hơn 4.300 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên trên 357.700 trường hợp. Trong khi đó, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Indonesia cũng đã tăng thêm 84 người, lên hơn 12.400 trường hợp. Indonesia hiện là quốc gia có tổng số ca bệnh và tử vong vì COVID-19 cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Philippines, quốc gia chịu tác động dịch bệnh nghiêm trọng thứ 2 trong khu vực, tiếp tục ghi nhận thêm gần 2.700 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên hơn 354.300 người. Số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này cũng tăng lên trên 6.600 bệnh nhân.
Tại châu Âu, ngày 17/10, thêm hàng triệu người dân tại châu lục này bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế mới nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan. Thủ đô Paris và nhiều thành phố lớn khác của Pháp hiện đang áp dụng lệnh giới nghiêm từ 23h hôm trước tới 6h sáng hôm sau, có hiệu lực ít nhất 1 tháng.
Trong khi đó, xứ Englang của Anh cấm các gia đình tổ chức tụ tập và vùng Lombardy giàu có ở miền Bắc Italy cũng áp dụng các biện pháp hạn chế mới.
Nhiều quốc gia châu Âu đã đưa ra các biện pháp hạn chế mới. (Ảnh: AP)
Châu Âu đang đương đầu với làn sóng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ hai được cho là khắc nghiệt hơn khi mùa Đông cận kề. Các quốc gia Trung Âu vốn từng kiềm chế hiệu quả làn sóng dịch bệnh thứ nhất nay phải chứng kiến số ca mắc mới mỗi ngày một tăng nhanh chóng.
Ngày 17/10, số ca mắc mới được ghi nhận tại Áo là trên 1.700 trường hợp. Trong thời kỳ đỉnh điểm của đợt dịch bệnh đầu tiên hồi tháng 3, số ca nhiễm mới trong 24 giờ tại Áo là 1.050 ca. Theo thống kê, Áo hiện ghi nhận tổng cộng hơn 63.100 ca mắc bệnh, trong đó có 889 người tử vong trên tổng số 8,8 triệu dân.
Bộ Y tế CH Czech thông báo, quốc gia này ghi nhận trên 4.300 ca mắc mới trong 24 giờ trước đó. Tổng số ca mắc bệnh được ghi nhận tại CH Czech hiện đã lên tới hơn 164.400 trường hợp.
Số ca mắc mới hàng ngày tại Czech tăng cao trong những ngày gần đây. (Ảnh: AP)
Ba Lan thông báo ghi nhận trên 9.600 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao mới trong báo cáo số ca bệnh mỗi ngày tại quốc gia này. Ba Lan từng là một trong những quốc gia kiềm chế hiệu quả dịch bệnh trong làn sóng thứ nhất, nhưng trong những tuần gần đây, nước này đã ghi nhận số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 tăng nhanh mỗi ngày. Hiện Ba Lan ghi nhận tổng cộng hơn 167.200 ca bệnh, trong đó có trên 3.500 trường hợp tử vong.
Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi người dân hạn chế tối đa các hoạt động tiếp xúc xã hội và đi lại, nâng cao ý thức phòng dịch cá nhân sau khi chính quyền các bang và liên bang cuối cùng cũng đạt được sự đồng thuận về các biện pháp kiềm chế làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai tại quốc gia này. Bà kêu gọi người dân bằng mọi cách ngăn chặn kịch bản virus lây lan mất kiểm soát. Hiện Đức ghi nhận trên 361.700 ca mắc COVID-19 và hơn 9.800 trường hợp tử vong.
Tại Anh, giáo sư John Bell, cố vấn chương trình xét nghiệm dịch COVID-19 của Chính phủ Anh, cho rằng, nước này nên áp dụng một lệnh phong tỏa toàn quốc trong thời gian ngắn khi vùng England đang chứng kiến mức lây nhiễm đáng báo động. Ngày 17/10, Anh ghi nhận thêm hơn 16.100 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên trên 705.400 trường hợp. Hơn 43.500 người mắc COVID-19 tại Anh đã không qua khỏi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!