Hơn 99,6 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Với tổng số trên 25,6 triệu ca mắc và hơn 428.800 trường hợp tử vong, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nhất bởi đại dịch COVID-19. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 103.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện nước này đang theo dõi chặt chẽ biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh sau khi các quan chức Anh cảnh báo, biến thể này có thể làm tăng tỷ lệ tử vong do dịch bệnh. Bên cạnh đó, giới chức y tế Mỹ cũng lo ngại về biến thể mới tại Nam Phi dù Mỹ chưa ghi nhận trường hợp nào.
Tại Ấn Độ, nước đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm, tổng cộng trên 10,6 triệu người đã mắc COVID-19, bao gồm hơn 153,5 triệu trường hợp thiệt mạng. Ngày 24/1, hơn 12.900 người nhiễm mới đã được ghi nhận tại quốc gia này.
Ngày 25/1, Ấn Độ sẽ mở rộng phạm vi tiêm vaccine ngừa COVID-19 do nước này sản xuất mang tên Covaxin. Thêm 7 bang được đưa vào danh sách triển khai tiêm chủng, nâng tổng số lên 19 bang. Tính đến thời điểm này, gần 1,6 triệu người ở Ấn Độ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Quốc gia Nam Á này đang ưu tiên các mũi tiêm cho 30 triệu nhân viên y tế và những nhân viên ở tuyến đầu chống dịch như nhân viên vệ sinh và an ninh.
Ấn Độ sẽ mở rộng phạm vi tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: AP)
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn đang khiến nhiều nước lo ngại. Ngày 24/1, Anh đã phát hiện tổng cộng 77 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Nam Phi và 9 ca nhiễm biến chủng mới từ Brazil. Hiện giới chức y tế Anh đang theo dõi chặt chẽ các trường hợp nhiễm biến thể mới nhằm ngăn chặn sự lây lan các biến thể. Trước khi các biến thể virus SARS-CoV-2 từ Nam Phi và Brazil xuất hiện, Anh vẫn phải căng mình đối phó với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 liên quan đến một biến thể bùng phát lần đầu ở vùng England. Thủ tướng Anh Boris Johnson thậm chí còn cảnh báo, biến thể phát hiện ở nước này có thể có liên quan tới tỷ lệ tử vong cao hơn. Hiện số ca tử vong do COVID-19 ở xứ sở xương mù đã lên tới hơn 97.300 ca trong số hơn 3,6 triệu người mắc.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, để phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ Anh sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn. Hiện số bệnh nhân mắc COVID-19 ở Anh phải thở máy đã lần đầu tiên vượt con số 4.000 người.
Ngày 24/1, cảnh sát Đức đã bắt đầu tiến hành siết chặt kiểm soát biên giới trong bối cảnh Chính phủ liên bang vừa đưa hàng chục quốc gia vào danh sách có nguy cơ lây nhiễm cao đối với đại dịch COVID-19. Việc siết chặt kiểm soát biên giới được thực hiện nhằm ngăn chặn những người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhập cảnh vào Đức, đặc biệt là những trường hợp nhiễm biến thể mới của virus này. Bộ Nội vụ Đức đã chỉ thị "kiểm soát chặt" mọi trường hợp nhập cảnh từ các nước và khu vực có chỉ số lây nhiễm cao, cụ thể là các nước có chỉ số lây nhiễm mới trong 7 ngày vượt quá 200 ca. Hiện Đức đã ghi nhận trên 2,1 triệu ca mắc, 52.700 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Đức bắt đầu siết chặt kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. (Ảnh: AP)
Hà Lan đã lần đầu tiên ban bố lệnh giới nghiêm kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Biện pháp này được thực hiện từ 19h hôm trước đến 4h30 hôm sau, hiệu lực ít nhất tới ngày 19/2 tới. Những người vi phạm sẽ chịu mức phạt 95 Euro (115 USD). Tổng cộng trên 948.900 người đã mắc virus SARS-CoV-2 tại Hà Lan, bao gồm hơn 13.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi.
Hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh vừa lên tiếng cảnh báo, nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 cho châu Âu có thể sẽ thấp hơn dự kiến. Cảnh báo này đang buộc một số quốc gia trong khu vực phải điều chỉnh kế hoạch tiêm chủng trong bối cảnh số lượng vaccine nhận được bị giảm mạnh. AstraZeneca viện dẫn lý do cho thông báo trên là vì sản lượng suy giảm tại một địa điểm sản xuất trong chuỗi cung ứng cho châu Âu.
Thông báo của hãng dược phẩm Anh được đưa ra sau một thông báo tương tự hồi tuần trước của Pfizer. Hãng dược phẩm của Mỹ Pfizer cho biết sẽ trì hoãn giao các lô vaccine trong tối đa một tháng do việc nâng cấp nhà máy chủ chốt của họ ở Bỉ. Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh dư luận ngày càng lo ngại về các biến thể virus SARS-CoV-2 mới được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn chủng ban đầu.
Trong 24 giờ qua, Indonesia đã có thêm 11.788 ca nhiễm mới và 171 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là trên 989.200 và hơn 27.800.
Malaysia đang trở thành tâm dịch COVID-19 ở Đông Nam Á. Ngày 24/1, Malaysia ghi nhận thêm hơn 3.300 ca mắc, nâng tổng số người nhiễm trên toàn quốc lên trên 183.800 trường hợp. Từ ngày 1/12/2020 tới nay, Malaysia đã ghi nhận thêm 350 ổ dịch COVID-19 mới, trong đó có 225 ổ dịch tại nơi làm việc, chiếm tỷ lệ 64,3%. Ngoại trừ bang Sarawak, tất cả các bang và lãnh thổ liên bang còn lại ở Malaysia đã phải tái thực hiện lệnh hạn chế di chuyển để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch. Thời gian thực hiện lệnh hạn chế di chuyển là hai tuần và lệnh này có thể sẽ được gia hạn.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines đã ghi nhận thêm hơn 1.900 ca nhiễm mới, đưa tổng số người mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên trên 513.600 trường hợp, trong đó có 10.242 bệnh nhân không qua khỏi. T
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết, nước này đã phát hiện trường hợp vật nuôi đầu tiên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông kêu gọi giới chức y tế xem xét khả năng lây truyền giữa con người và động vật và chia sẻ một cách minh bạch những phát hiện về người sống với vật nuôi hoặc thường xuyên tiếp xúc với vật nuôi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!