Số nạn nhân thiệt mạng trong trận lũ lịch sử tại Tây Ban Nha tiếp tục tăng khi lực lượng cứu hộ đang chạy đua thời gian tìm kiếm người mất tích với hy vọng mong manh bởi đã 4 ngày trôi qua kể từ sau thảm họa. Chính phủ Tây Ban Nha đã triển khai số binh sỹ và sỹ quan cảnh sát kỷ lục nhằm hỗ trợ lực lượng cứu hộ cứu nạn tìm kiếm người mất tích và giúp người dân khắc phục hậu quả sau lũ.
Cho đến nay, lực lượng ứng phó đã thực hiện 4.800 cuộc cứu hộ và giúp đỡ hơn 30.000 người tại nhà, trên đường và tại các khu công nghiệp bị ngập lụt. Hoạt động cứu trợ đối mặt nhiều thách thức do nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn.
Đường phố Tây Ban Nha ngổn ngang sau trận lũ quét lịch sử (Ảnh: AFP)
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez phát biểu: "Chúng tôi hiểu rằng việc đưa cứu trợ tới các khu vực bị ảnh hưởng đang gặp nhiều cản trở về thời gian, khi còn nhiều tuyến đường nhà cửa vẫn còn không thể tiếp cận được vì nước lũ. Vì thế chính phủ đã chấp thuận yêu cầu của lãnh đạo vùng Valencia để tăng số lượng binh sỹ từ 500 lên 5.000 để đến cứu trợ vùng lũ lụt. Ưu tiên tiếp theo của chúng tôi là xác định và thu hồi thi thể của những người đã thiệt mạng một cách nhanh chóng nhằm hỗ trợ gia đình các nạn nhân. Trong 48 giờ qua, lực lượng quân sự và an ninh đã kiểm tra hàng nghìn gara, lòng sông, đường giao thông và tìm thấy thi thể của 211 nạn nhân".
Số nạn nhân khả năng sẽ tiếp tục tăng do còn nhiều người mất tích và chưa thể xác định con số cụ thể khi hệ thống liên lạc vẫn bị hư hỏng nặng. Thủ tướng Tây Ban Nha cũng cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực cần thiết để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
Ông Eduardo Ganet - người điều phối Bộ phận Bảo vệ Dân sự vùng Valencia (Tây Ban Nha) – cho biết: "Chúng tôi đã thử tiếp cận trước đó nhưng mực nước dân rất cao. Nước rất đục do bùn từ lũ khiến tầm nhìn gần như không có. Chúng tôi chỉ có thể tự cảm nhận mình đang va phải thử gì. Vậy nên lực lượng cứu hộ sẽ chờ mực nước rút xuống thêm nữa để xác định tình hình rõ rệt hơn".
Khu vực Valencia, miền Đông Tây Ban Nha, là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ lụt này. Hàng nghìn ngôi nhà bị ngập lụt, cơ sở hạ tầng bị phá hủy và giao thông bị tê liệt. Người dân địa phương đã phải đối mặt với những khó khăn chồng chất khi thiếu nước sạch, điện và thực phẩm.
Theo chính phủ Tây Ban Nha, nguồn cung cấp điện đã được khôi phục gần như hoàn toàn ở các khu vực bị ảnh hưởng, trong khi đường dây viễn thông dự kiến được khôi phục vào cuối tuần này. Giới chức cũng kêu gọi người dân ở nhà để tránh gây ách tắc giao thông, cản trở công tác cứu hộ.
Đây là thảm họa thiên tai nghiêm trọng nhất tại châu Âu kể từ năm 1967 khi có ít nhất 500 người thiệt mạng trong trận lụt tại Bồ Đào Nha.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!