Số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ vượt mốc 1 triệu, ca mắc mới toàn cầu tăng tuần thứ hai liên tiếp

https://www.worldometers.info/coronavirus/?-Thứ sáu, ngày 25/03/2022 06:10 GMT+7

Hơn 477,37 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 25/3, thế giới có trên 477,37 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,13 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 81,53 triệu ca mắc và hơn 1 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 10.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Giới chức Mỹ ngày 24/3 cho biết, dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại tại nhiều khu vực ở Đông Bắc nước này trong bối cảnh dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đang là biến thể chủ đạo gây dịch bệnh tại nước này. Các quan chức Mỹ đang hối thúc Quốc hội thông qua nguồn kinh phí mới cho công tác phòng ngừa và điều trị COVID-19.

Hiện tại trung bình mỗi ngày nước Mỹ ghi nhận 28.600 ca mắc mới, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm lần gần đây nhất là hơn 800.000 ca/ngày trong tháng 1 vừa qua. Số ca tử vong hiện ở mức trung bình khoảng 900 ca/ngày.

Một nhà dịch tễ học Mỹ mới đây đã lên tiếng chỉ trích việc giới chức nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Tiến sĩ Eric Feigl-Ding đã cảnh báo rằng, thế giới đang trên bờ vực của một làn sóng virus Corona khác khi đóng cửa các trung tâm xét nghiệm tại nhiều bang trên khắp cả nước. Nhà dịch tễ học này cho rằng, virus SARS-CoV-2 càng được phát hiện nhiều hơn trong nước thải, song song với sự gia tăng của biến thể lai Deltacron ở châu Âu. Đây có thể là chỉ dấu báo hiệu nguy cơ Mỹ chuẩn bị đối mặt với mối đe dọa này. Theo ông Feigl-Ding, các địa điểm xét nghiệm cung cấp cho giới chức y tế dữ liệu để dự đoán các đợt lây nhiễm lớn và những biến thể mới theo cách mà các xét nghiệm nhanh tại nhà không thể thực hiện được.

Theo cơ sở dữ liệu GISAID cập nhật kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2, Deltacron đã được phát hiện ở Anh và châu Âu, với khoảng 30 ca nhiễm ở Anh, 36 ca ở Pháp, 8 ca ở Đan Mạch và Đức, Bỉ và Hà Lan mỗi nơi ghi nhận 1 ca. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, gần đây cảnh báo, biến thể Deltacron có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn trong vài tuần tới nhưng đang được lây lan “ở mức rất thấp'”.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 24/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 516.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Trong bài viết đăng ngày 24/3 trên báo điện tử Financial Express của Ấn Độ, người đứng đầu Hiệp hội Y tế công cộng Ấn Độ (PHFI) K Srinath Reddy cho rằng, vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu khi mà virus SARS-CoV-2 vẫn chưa đạt hình thái phát triển đủ ổn định để có thể dự đoán về khả năng lây nhiễm.

Virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn tồn tại, nhưng COVID-19 đã trở thành một bệnh “đặc hữu” hay chưa thì cần thời gian để trả lời. Ông lấy trường hợp của Ấn Độ làm dẫn chứng. Một nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng 8/2021 đã nhận định, Ấn Độ có thể đang bước vào giai đoạn COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, sự bùng phát làn sóng lây nhiễm Omicron sau đó đã cho thấy rằng, giai đoạn đó vẫn chưa đến.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 658.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,72 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Hà Lan đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại nước này đã được cải thiện sau khi đạt đỉnh hồi tháng 1 vừa qua.

Theo đó, nước này đã bỏ quy định xuất trình các chứng nhận liên quan COVID-19 đối với những người tham gia một sự kiện lớn hoặc vào hộp đêm. Việc đeo khẩu trang cũng không còn bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng và khuyến nghị về làm việc từ xa không còn hiệu lực.

Số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ vượt mốc 1 triệu, ca mắc mới toàn cầu tăng tuần thứ hai liên tiếp - Ảnh 1.

Hà Lan đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

Do dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, Chính phủ Bồ Đào Nha đã thông báo gia hạn tình trạng báo động vì COVID-19 đến ngày 18/4 tới. Các biện pháp phòng dịch hiện hành vẫn tiếp tục được giữ nguyên, bao gồm đeo khẩu trang trong không gian công cộng khép kín, tại các cơ sở dịch vụ y tế và trên các phương tiện giao thông công cộng. Đối với những người chưa tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, điều kiện để được tới các địa điểm trong không gian kín và các cơ sở y tế là bắt buộc phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Theo thống kê, cứ sau 5 ngày, Bồ Đào Nha lại trải qua một ngày có số ca mắc mới kỷ lục là 11.000 ca, trong đó biến thể Omicron chiếm chủ đạo.

Ba Lan ngày 24/3 thông báo sẽ dỡ bỏ phần lớn các qui định đeo khẩu trang và cách ly. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Ba Lan Adam Niedzielsky, việc đeo khẩu trang sẽ không còn là yêu cầu bắt buộc khi đến các không gian kín, tất cả người nhập cảnh và những người ở cùng phòng với người mắc COVID-19 sẽ không bị yêu cầu tự cách ly tại nhà. Hai quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 28/3, ngoại trừ đối với các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Bộ trưởng Bộ Y tế Ba Lan cũng cho biết, khủng hoảng người di cư liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine không làm gia tăng số ca mắc COVID-19 tại Ba Lan, dù rằng đến nay đã có hơn 2 triệu người sơ tán sang nước này kể từ ngày 24/2.

Từ ngày 1/4, các chính sách biên giới mới sẽ được áp dụng trở lại gần như trước dịch bệnh tại Singapore. Theo đó, hầu hết những hạn chế đối với du khách đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 sẽ được dỡ bỏ.

Cụ thể, từ ngày 1/4, tất cả các du khách đã tiêm đủ vaccine và trẻ em từ 12 tuổi trở xuống nhập cảnh Singapore đều không phải cách ly mà không cần phải đi trên các chuyến bay theo Làn đi lại vaccine. Những du khách này cũng không phải xét nghiệm nhanh COVID-19 khi đến mà chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành. Họ cũng không cần phải xin giấy thông hành vaccine như trước đây.

Bộ Thông tin Myanmar ngày 24/3 thông báo, theo các quy định phòng dịch và kiểm soát dịch COVID-19 của Bộ Y tế nước này, khoảng 60 rạp chiếu phim sẽ được mở trở lại từ ngày 17/4, đúng dịp năm mới của Myanmar.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Myanmar trong tuần qua đã giảm. Bộ Thông tin Myanmar cho biết, việc mở cửa trở lại các rạp chiếu phim nhằm tạo thu nhập cho những người trong lĩnh vực điện ảnh và chủ quản các rạp chiếu phim trong bối cảnh dịch hiện đã trong tầm kiểm soát. Các rạp chiếu phim của Myanmar đã phải đóng cửa từ ngày 16/3/2020 nhằm ngăn ca lây nhiễm tại các nơi tập trung đông người.

Ngày 24/3, Văn phòng Thủ tướng Lào thông báo, ngày nghỉ Tết cổ truyền đầu tiên của nước này BounpiMay 2565 theo Phật lịch trong năm 2022 sẽ bắt đầu từ ngày 13 - 15/4. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID -19 vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp, Chính phủ Lào yêu cầu các cơ quan, ban, ngành không tổ chức tiệc năm mới BounpiMay nhằm thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" và làm gương cho người dân. Thông báo nêu rõ, Ủy ban Phòng chống COVID-19 cấp quốc gia và cấp tỉnh cần ban hành các biện pháp phòng chống dịch trong việc tổ chức các sự kiện đón năm mới theo tình hình dịch ở mỗi địa phương.

BounpiMay là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của Lào. Do tình hình dịch COVID-19, lễ hội này năm 2020 đã bị hủy bỏ. Năm 2021, lễ hội cũng bị thu hẹp khi chỉ cho phép tổ chức quy mô hẹp trong gia đình, nơi làm việc và chùa, trong khi các hoạt động ngoài trời như các lễ rước và té nước đều bị cấm.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới COVID -19 tại nước này tiếp tục lập đỉnh mới kể từ đầu dịch, lên tới 2.819 ca, trong đó thủ đô Vientiane vẫn là nơi ghi nhận nhiều nhất với 1.084 trường hợp. Hiện Chính phủ Lào đang nỗ lực kêu gọi người dân đi tiêm phòng. Tính tới nay, đã có 75,72% dân số đủ điều kiện của Lào được tiêm mũi thứ nhất và 60,40% được tiêm mũi thứ 2.

Trước sự gia tăng mạnh số ca mắc COVID-19 liên quan đến biến thể Omicron trong những ngày qua, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào thông báo đóng cửa các lớp học trực tiếp của các trường mầm non và tiểu học trên cả nước.

Số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ vượt mốc 1 triệu, ca mắc mới toàn cầu tăng tuần thứ hai liên tiếp - Ảnh 2.

Indonesia quyết định nới lỏng một số biện pháp hạn chế. (Ảnh: AP)

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, tình hình dịch COVID-19 tại nước này tiếp tục được cải thiện. Do vậy, Chính phủ nước này quyết định nới lỏng một số biện pháp hạn chế, trong đó có việc hủy lệnh cấm du lịch nội địa trong thời gian diễn ra lễ ăn chay Ramadan và lễ Eid al-Fitr vào tháng 4 - 5 tới.

Theo đó, người dân Hồi giáo tại quốc gia Đông Nam Á này sẽ được tái thực hiện các nghi thức truyền thống tập trung trong tháng ăn chay. Kết thúc tháng ăn chay Ramadan, người dân cũng có thể về quê đón lễ Eid al-Fitr cùng gia đình và cầu nguyện tập trung tại nhà thờ. Hai năm vừa qua, các dịp lễ này đều bị bó hẹp trong bối cảnh Chính phủ Indonesia ban bố các lệnh hạn chế đi lại và cấm du lịch trong nước nhằm ngăn chặn số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh.

Ngoài nới lỏng hạn chế nói trên, Chính phủ Indonesia còn dỡ bỏ các quy định nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này đối với du khách nước ngoài có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2. Trước đó, Indonesia cũng mở rộng danh sách cấp thị thực cho người nước ngoài đến từ 42 quốc gia.

Hàn Quốc ngày 24/3 thông báo ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh, khiến gần 20% trong tổng số 52 triệu người dân nước này nhiễm bệnh.

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), mặc dù số ca nhiễm mới tại nước này giảm còn 395.598 ca, thấp hơn nhiều so với mức 490.881 ca ghi nhận một ngày trước đó, nhưng số ca tử vong lại cao chưa từng thấy, với 470 ca. Như vậy, tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 10.822.836 ca nhiễm, trong đó có 13.902 người không qua khỏi. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại nước này hiện là 0,13%. Số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng là 1.081 người, giảm 3 người so với ngày trước đó.

Hàn Quốc đang trải qua làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất, đưa tổng số người mắc tại nước này vượt mốc 10 triệu ca hồi đầu tuần này. Đáng chú ý, gần 9 triệu trường hợp mắc được ghi nhận kể từ đầu tháng 2 vừa qua. Ngày 17/3 là ngày có số ca mắc mới cao kỷ lục tại nước này, với 621.205 ca.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã quyết định phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer để tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi. Quyết định trên được đưa ra sau khi hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản xem xét các dữ liệu tiêm chủng ở những nước đã bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em như Israel và Mỹ.

Tỷ lệ gặp phản ứng phụ khi tiêm mũi thứ 3 cho nhóm từ 12 đến 17 tuổi tương tự hoặc thậm chí thấp hơn so với khi tiêm 2 mũi đầu. Điều quan trọng là không có bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào về mặt an toàn. Bên cạnh đó, việc tiêm mũi thứ 3 sẽ góp phần tăng hiệu quả của vaccine, vốn giảm dần theo thời gian sau mũi tiêm thứ 2. Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi vào tháng 4 tới.

Số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu tăng tuần thứ hai liên tiếp trong bối cảnh một số nước châu Á trở thành điểm nóng khi ghi nhận hàng loạt ca mắc mới. Theo báo cáo cập nhật tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu theo tuần mới nhất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, số ca mắc mới trên toàn cầu trong tuần qua tăng 7% so với tuần trước đó, với khoảng 12 triệu ca mắc mới. Số ca mắc tăng 21% ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi có các nước ghi nhận sự tăng vọt số ca mắc mới, trong đó có Hàn Quốc.

Khu vực châu Âu có số ca mắc duy trì ổn định, trong khi dịch bệnh có chiều hướng giảm ở các khu vực Đông Địa Trung Hải, châu Phi, Đông Nam Á và châu Mỹ. Số người tử vong nói chung giảm 23% so với tuần trước, mặc dù ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận mức tăng 5%. Ngoài ra, có thêm 33.000 trường hợp tử vong trên toàn cầu.

Vaccine Moderna có hiệu quả với trẻ dưới 6 tuổi Vaccine Moderna có hiệu quả với trẻ dưới 6 tuổi Người phát ngôn của Chính phủ Mỹ mắc COVID-19 lần 2, làn sóng lây nhiễm bùng phát mạnh ở Đức và Pháp Người phát ngôn của Chính phủ Mỹ mắc COVID-19 lần 2, làn sóng lây nhiễm bùng phát mạnh ở Đức và Pháp Mở cửa du lịch tại Hong Kong (Trung Quốc) ít tác động đến dịch COVID-19 Mở cửa du lịch tại Hong Kong (Trung Quốc) ít tác động đến dịch COVID-19

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước