Chăm sóc bệnh nhân bên trong phòng chăm sóc đặc biệt COVID-19 tại bệnh viện San Filippo Neri ở Rome. (Ảnh: AP)
Bộ Y tế Italy có thể gia hạn sử dụng hệ thống thẻ xanh COVID-19 cho đến tháng 3/2022, thay vì các biện pháp nới lỏng hoặc bãi bỏ quy định này. Theo đó, Italy tiếp tục bắt buộc tất cả các nhân viên công vụ và những người lao động trong khu vực tư nhân phải xuất trình thẻ xanh COVID-19 tại nơi làm việc.
Để gia hạn các quy định trên, Chính phủ Italy sẽ cần phải kéo dài tình trạng khẩn cấp, cho phép Chính phủ ra sắc lệnh để áp dụng một cách nhanh chóng các biện pháp ngăn chặn COVID-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Pierpaolo Sileri nhấn mạnh rằng, Chính phủ nước này hiện không bàn đến việc nới lỏng hoặc bãi bỏ các quy định thẻ xanh, chứng chỉ giấy hoặc kỹ thuật số cho thấy người sở hữu đã được tiêm phòng, hồi phục từ COVID-19 trong vòng 6 tháng hay có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc 72 giờ trước đó, tùy thuộc vào loại xét nghiệm được thực hiện.
Tình trạng khẩn cấp tại Italy được ban bố vào tháng 1/2020 và đã nhiều lần được gia hạn kể từ đó. Thời hạn tình trạng khẩn cấp sẽ hết hạn vào ngày 31/12 tới, đồng nghĩa với việc tất cả các quy định, bao gồm cả những quy định thẻ xanh, cũng sẽ hết hạn vào ngày này.
Italy có thể gia hạn sử dụng hệ thống thẻ xanh COVID-19 cho đến tháng 3/2022. (Ảnh: AP)
Trong báo cáo giám sát COVID-19 hàng tuần mới nhất, Bộ Y tế Italy cho biết, tỷ lệ số ca mắc mới hàng tuần ở nước này đã tăng nhanh trên diện rộng so với tuần trước đó, sát ngưỡng 50 ca/100.000 dân. Báo cáo nêu rõ rằng, khả năng lây nhiễm của các trường hợp có triệu chứng đang tăng lên và xung quanh ngưỡng dịch.
Đối với các ca phải nhập viện, khả năng lây nhiễm được cho là ngày càng tăng và cao hơn ngưỡng dịch. Số ca phải nhập viện để điều trị COVID-19 không còn giảm mà ở mức ổn định. Báo cáo trên cảnh báo rằng, xu hướng này cần phải được theo dõi sát sao và nếu được xác nhận, nó có thể là màn dạo đầu cho một đợt bùng phát dịch mới.
Các số liệu trên tương tự với mức của tháng 9 - 10/2020, khi Italy ban hành hệ thống xác định mức độ thực hiện các biện pháp phòng dịch theo 4 cấp, từ trắng, vàng, cam đến đỏ. Mặc dù hệ thống này vẫn được áp dụng nhưng tất cả các vùng tại Italy hiện đều thuộc vùng trắng hoặc vùng vàng có nguy cơ lây nhiễm thấp.
Tuy nhiên, khác với các nước châu Âu khác có số ca mắc COVID-19 tăng mạnh từ đầu tháng 10, các trường hợp nhiễm mới tại Italy tăng không nhiều nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao hơn mức trung bình của châu Âu, kể cả các nước như Pháp, Đức và Anh. Hiện Italy có 83% dân số đủ điều kiện tiêm chủng trên 12 tuổi đã tiêm đủ liều vaccine và Chính phủ nước này đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ trên lên 90%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!