"Siêu thứ Ba" định hình cuộc đua vào Nhà Trắng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 06/03/2024 06:40 GMT+7

VTV.vn - Trong ngày "Siêu thứ Ba" năm nay, hàng triệu cử tri bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ và họp kín tại 15 bang với đảng Cộng hòa và 16 bang với đảng Dân chủ.

Cuộc bầu cử tại Mỹ đang bước vào giai đoạn tăng tốc với ngày bầu cử "Siêu thứ Ba" mang ý nghĩa bước ngoặt trong tiến trình hai đảng Dân chủ và Cộng hòa lựa chọn gương mặt đại diện ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới.

"Siêu thứ Ba" là một mốc quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng bởi đây là dịp sẽ phân bổ khoảng 30 - 40% số phiếu đại biểu mà mỗi ứng viên của hai đảng cần có để giành được đề cử của đảng ra tranh cử. Theo luật bầu cử Mỹ, một ứng cử viên cần có được sự ủng hộ của hơn 50% số đại biểu đại diện cho chính đảng của mình để chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng.

Ở phía đảng Dân chủ, Tổng thống Joe Biden gần như được đảm bảo sẽ được xác nhận là ứng cử viên của đảng.

Đối với đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump đang dẫn trước với thế áp đảo trước cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley sau khi ông giành chiến thắng tại 6/7 cuộc bầu cử sơ bộ trước đó của đảng này. Hầu hết kết quả thăm dò mới đây cho thấy ông Trump dẫn điểm với khoảng cách vượt trội trước bà Haley tại tất cả 15 bang bầu cử trong ngày "Siêu thứ Ba".

Siêu thứ Ba định hình cuộc đua vào Nhà Trắng - Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Mỹ và ứng cử viên tổng thống năm 2024 Donald Trump phát biểu tại sự kiện tranh cử ở Conway, South Carolina, ngày 10/2//2024. (Ảnh: AFP)

Với diễn biến hiện nay, giới quan sát nghiêng về kịch bản cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ là màn tái đấu giữa hai chính khách cao tuổi là ông Joe Biden (81 tuổi) và cựu Tổng thống Donald Trump (78 tuổi).

Quan điểm, chính sách của mỗi ứng cử viên về những vấn đề cử tri quan tâm vào thời điểm này như kinh tế, nhập cư, an sinh xã hội, chính sách đối ngoại… cũng sẽ góp phần định hình kết quả cuộc bầu cử Mỹ năm nay.

Kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy kinh tế vẫn là chủ đề được quan tâm nhiều nhất. 73% (gần 3/4 số người Mỹ) coi củng cố nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu, cao hơn bất kỳ mục tiêu nào khác.

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, nền kinh tế Mỹ được đánh giá là phục hồi đúng hướng sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp thấp, chỉ số chứng khoán cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò của tờ Wall Street Journal mới đây, nhiều cử tri vẫn lo ngại chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ do lạm phát tăng cao, tăng trưởng không đồng đều, khoảng cách thu nhập ngày càng lớn. Dù vậy, về tổng thể, ứng cử viên Biden đang có ưu thế nhất định liên quan tới vấn đề kinh tế.

Tuần trước, cả ông Biden và ông Trump đều có chuyến thăm tới khu vực biên giới Mỹ - Mexico, nơi đang xảy ra cuộc khủng hoảng nhập cư. Đây là dấu hiệu cho thấy hai ứng cử viên sẽ tiếp tục coi đây là một ưu tiên.

Một kết quả thăm dò dư luận trong tháng 2 vừa qua cho thấy nhiều người Mỹ trưởng thành cho rằng nhập cư là vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là đối với các cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa.

Siêu thứ Ba định hình cuộc đua vào Nhà Trắng - Ảnh 2.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay dự kiến sẽ là cuộc tái đấu giữa ông Nonald Trump và ông Joe Biden. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Cuộc cạnh tranh vào Nhà Trắng năm nay đang có một sự thay đổi khi ngày càng nhiều cử tri cho rằng chính sách đối ngoại cần được coi là một trong những ưu tiên của Mỹ. Trong bối cảnh Washington đang cùng lúc can dự vào nhiều cuộc xung đột ở nước ngoài, kết quả thăm dò dư luận của AP cho thấy cứ 10 người thì có 5 người được hỏi nói rằng chính sách đối ngoại nên là 1 trong 5 ưu tiên của Nhà Trắng. Những người được hỏi bày tỏ quan tâm về cách xử lý của chính quyền Mỹ đối với vấn đề xung đột ở Ukraine, chiến sự Israel - Hamas.

Theo kết quả thăm dò dư luận của KFF, chăm sóc sức khỏe đang đứng đầu các chi tiêu cơ bản mà người dân Mỹ lo lắng, nhiều hơn thực phẩm, khí đốt và thuê nhà. Cứ 4 người được hỏi thì 3 người nói rằng họ quan tâm tới việc chi trả các hóa đơn y tế và chăm sóc sức khỏe.

Về biến đổi khí hậu, nhiều cử tri bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay sẽ đe dọa tương lai của chính nước Mỹ. Từ cháy rừng, cho tới bão và lũ lụt nghiêm trọng, rõ ràng biến đổi khí hậu là một nguy cơ thật sự. 70% số cử tri Mỹ được hỏi cho rằng Mỹ cần phải có hành động ý nghĩa liên quan tới khí hậu.

Vấn đề kiểm soát súng đạn cũng được cử tri quan tâm sát sao. Thực trạng ngày càng nhiều vụ lạm dụng súng đạn và xả súng hàng loạt gây thương vong lớn, cùng với đó là tỷ lệ tử vong vì súng tăng cao đã khiến dư luận Mỹ đặt dấu hỏi về cách thức quản lý súng đạn.

Theo thông lệ các năm, công tác kiểm phiếu bầu của "Siêu thứ Ba" sẽ cơ bản được hoàn tất vào rạng sáng hôm sau, mặc dù một số bang có thể công bố người chiến thắng ngay trong tối thứ Ba.

Do bầu cử sơ bộ "Siêu thứ Ba" năm nay diễn ra ở các bang và vùng lãnh thổ nằm trải khắp 6 múi giờ nên thậm chí có thể mất vài ngày để xác định ứng viên giành chiến thắng của mỗi đảng.

Ông Trump thắng trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở bang North Dakota ngay trước 'Siêu thứ Ba' Ông Trump thắng trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở bang North Dakota ngay trước "Siêu thứ Ba" Bà Nikki Haley giành chiến thắng đầu tiên ở Washington D.C., đánh bại ông Trump trước “Siêu thứ Ba” Bà Nikki Haley giành chiến thắng đầu tiên ở Washington D.C., đánh bại ông Trump trước “Siêu thứ Ba” Hôm nay (5/3), nước Mỹ bước vào ngày bầu cử “Siêu thứ Ba” Hôm nay (5/3), nước Mỹ bước vào ngày bầu cử “Siêu thứ Ba”

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước