Hiện trường vụ tai nạn sập cần cẩu. (Ảnh: India Today)
Vizag là thành phố lớn nhất và trung tâm tài chính của bang Andhra Pradesh. Nhà máy đóng tàu Hindustan Shipyard Limited (HSL) là nơi cung cấp chiến hạm cho hải quân Ấn Độ.
Trong vụ tai nạn nghiêm trọng này, chiếc cần cầu đã bị đổ sập xuống, chôn vùi nhiều người dưới đống đổ nát. Cho đến nay, có đến 11 người đã thiệt mạng, 1 người bị thương trong vụ tai nạn. Trong số 11 người tử vong, có 4 người là nhân viên của HSL, bao gồm 1 giám sát viên, trong khi 7 người còn lại là công nhân của 3 đơn vị hợp đồng với công ty này.
Đội tìm kiếm cứu hộ đã tìm thấy thi thể của các nạn nhân trong đống đổ nát và đưa đi khám nghiệm tử thi. Một nạn nhân vẫn chưa xác định được danh tính.
Người thân của nạn nhân vụ sập cần cẩu khóc thương bên ngoài bệnh viện ở Vizag. (Ảnh: AP)
HSL sở hữu cần cẩu này khoảng 2 năm nay nhưng chưa đưa vào hoạt động thường xuyên. Vụ tai nạn xảy ra khi các công nhân đang tiến hành thử tải đối với cần cẩu khổng lồ nặng 70 tấn, chiếc cần cẩu khổng lồ đã bất ngờ đổ sập xuống đất. Trước đó, HSL đã ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ bảo trì, đảm bảo hoạt động thường xuyên của cần cẩu. Khi hoạt động thử tải được triển khai, thảm kịch đã xảy ra.
Sau vụ việc, Thủ hiến bang Andhra Pradesh Jaganmohan Reddy đã chỉ đạo, lực lượng tìm kiếm cứu nạn và cảnh sát địa phương phải nỗ lực triển khai nhanh nhất công tác cứu hộ. Trong khi đó, HSL thành lập một ủy ban nội bộ để điều tra nguyên nhân của vụ tai nạn sập cần cẩu này.
Bày tỏ sự đau buồn trước cái chết của các công nhân trong vụ tai nạn sập cần cẩu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã đăng trên Twitter: "Tôi vô cùng đau xót trước những mất mát trong vụ tai nạn tại HSL và mong những người bị thương nhanh chóng phục hồi. Ủy ban điều tra của Bộ Quốc phòng đã được thành lập để tìm ra nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!