Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã sản xuất 27,34 triệu thùng/ngày trong tháng 7 này, giảm 840.000 thùng/ngày so với tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.
Như vậy, sản lượng dầu của OPEC thấp hơn mức mục tiêu gần 1 triệu thùng/ngày, một phần do Nigeria và Angola không thể sản xuất như mức đã thống nhất. Theo khảo sát, sản lượng dầu của Saudi Arabia đã giảm 860.000 thùng/ngày trong tháng 7 so với tháng trước đó.
Mức giảm lớn thứ hai là ở Nigeria, nơi tập đoàn năng lượng Shell đã tạm dừng vận chuyển dầu thô Forcados do khả năng rò rỉ ở cảng xuất khẩu này. Bên cạnh đó, sản lượng tại Libya cũng giảm xuống khi hoạt động ở nhiều mỏ bị đình trệ do biểu tình.
Trong khuôn khổ thỏa thuận hạn chế nguồn cung mà OPEC+ đạt được hồi tháng 6, Saudi Arabia đã cam kết cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7.
Phản ứng với diễn biến này, giá dầu đã bắt đầu khởi sắc, trong đó giá dầu Brent Biển Bắc tăng từ gần 71 USD/thùng hồi cuối tháng 6 lên hơn 85 USD/thùng.
Quyết định cắt giảm thêm sản lượng dầu nói trên được Saudi Arabia đưa ra bên cạnh các mức cắt giảm tự nguyện trước đó mà nước này và các nước thành viên khác trong nhóm OPEC+ đã công bố và bổ sung vào mức giảm theo thỏa thuận vào cuối năm 2022 của nhóm này.
Tuy nhiên, khảo sát của Reuters cho thấy, sự gia tăng sản lượng dầu tại Angola và Iraq đã hạn chế mức giảm của OPEC trong tháng 7.
Trước đó, vào đầu tháng 6, một đề xuất cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày đã được đưa lên bàn thương thảo của OPEC+ nhằm thúc đẩy giá dầu tăng hơn nữa.
Tính từ tháng 10/2022, OPEC+ đã hạ mức sản lượng mục tiêu tới 3,7 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, bất chấp van dầu không ngừng được thắt chặt, giá dầu Brent trong tháng 5/2023 cũng chỉ dao động quanh mức 71 - 76 USD/thùng. Đây là động lực để một số nước OPEC+ đề xuất cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!