Giới chuyên gia cho rằng số vụ cháy rừng tăng mạnh ở Amazon trong 6 tháng đầu năm nay là do đợt hạn hán lịch sử tại rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới này hồi năm 2023. Kể từ khi Viện Nghiên cứu không gian quốc gia (INPE) Brazil bắt đầu lưu dữ liệu vào năm 1998, chỉ có 6 tháng đầu năm của năm 2003 và năm 2004 ghi nhận nhiều vụ cháy rừng hơn 6 tháng vừa qua, với lần lượt là 17.143 vụ và 17.340 vụ.
Dữ liệu của INPE cũng cho thấy nạn phá rừng Amazon tại Brazil đang giảm. Theo đó, diện tích rừng bị phá trong thời gian từ ngày 1/1 - 21/6 năm nay giảm 42% so với cùng kỳ năm 2023.
Rừng Amazon được coi là "lá phổi xanh của Trái Đất" giúp giảm tình trạng ấm lên toàn cầu bằng cách hấp thu khí CO2.
Rừng Amazon trải qua 6 tháng cháy rừng tồi tệ nhất trong 20 năm (Ảnh: AFP/Getty Images)
Trong 6 tháng đầu năm nay, 2 hệ sinh thái khác ở phía Nam rừng Amazon - gồm đầm lầy nhiệt đới Pantanal và thảo nguyên Cerrado - cũng ghi nhận số vụ cháy rừng kỷ lục. Tại Pantanal, nơi sinh sống của hàng triệu con cá sấu caiman, vẹt, rái cá lớn và là nơi có mật độ báo đốm cao nhất thế giới, đã xảy ra 3.538 vụ cháy rừng trong nửa đầu năm nay, tăng hơn 2.000% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ riêng trong tháng 6 vừa qua, 2.639 vụ cháy đã được phát hiện, gấp 6 lần con số cao nhất từng được ghi nhận.
Trong khi đó, Cerrado - một trong 3 thảo nguyên lớn nhất thế giới - ghi nhận 13.229 vụ cháy rừng trong 6 tháng đầu năm nay, gần bằng số vụ cháy rừng ở Amazon. Thảo nguyên Cerrado bao phủ khu vực bằng diện tích của nước Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh cộng lại.
Thông thường, đỉnh điểm mùa cháy rừng diễn ra vào nửa cuối năm, đặc biệt là tháng 9 hàng năm khi thời tiết khô nhất. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường đã khiến số vụ cháy rừng gia tăng, cùng với đó là tác động của con người, đặc biệt là đốt rừng lấy đất canh tác nông nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!