Romania và Bulgaria sẽ trở thành một phần của khu vực liên bang lớn nhất thế giới, với việc di chuyển tự do hiện chỉ được phép bằng đường hàng không và đường biển.
Theo thỏa thuận, ban đầu Romania và Bulgaria gia nhập khu vực Schengen với việc di chuyển tự do hiện chỉ được phép bằng đường hàng không và đường biển. Bộ Nội vụ Romania cho biết trong tuần này rằng các cuộc đàm phán về di chuyển tự do trên biên giới đất liền sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2024.
Cả hai quốc gia này đều gia nhập EU vào năm 2007 và đã nỗ lực gia nhập khu vực Schengen không có biên giới kiểm soát (được đặt theo tên thị trấn nơi thỏa thuận được ký kết vào năm 1985) kể từ năm 2011, nhưng vẫn ở bên ngoài khu vực này do bị Áo và trước đó là Hà Lan phủ quyết.
Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu cho biết hôm 28/12: "Sau 13 năm chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng đã đạt được thỏa thuận Schengen". Ông nói thêm rằng, việc dỡ bỏ biên giới trên không và trên biển từ tháng 3/2024 là "một quyền đã giành được sau các cuộc đàm phán kéo dài", lưu ý rằng Bucharest sẽ tiếp tục nỗ lực để có được đầy đủ các đặc quyền được cấp trong khu vực Schengen.
Thủ tướng Bulgaria Nikolai Denkov cũng xác nhận thỏa thuận này trong cuộc họp cùng ngày.
Các cuộc thảo luận về việc Romania gia nhập đầy đủ vào khu vực không có biên giới kiểm soát này dự kiến sẽ diễn ra vào nửa cuối năm nay, tờ Adevarul đưa tin hôm 29/12, trích dẫn các nguồn tin. Tuy nhiên, Thủ tướng Denkov đã lưu ý rằng vẫn chưa rõ chính xác khi nào Bulgaria sẽ được phép di chuyển tự do giữa các nước trong khối Schengen qua các cửa khẩu biên giới trên đất liền.
Áo lấy lo ngại về tình trạng nhập cư bất hợp pháp làm lý do phản đối việc mở rộng khu vực Schengen. Tuy nhiên, vào đầu tháng 12, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước này Gerhard Karner đã đồng ý nới lỏng các hạn chế đối với hai nước bằng cách cung cấp "Air Schengen" (di chuyển tự do bằng đường hàng không trong khu vực Schengen) như một lựa chọn gia nhập khối dần dần, tờ Kurier đưa tin. Tờ báo này cũng nói rằng Vienna muốn sứ mệnh của cơ quan kiểm soát biên giới Frontex ở Bulgaria tăng gấp ba lần và Ủy ban Châu Âu cung cấp tiền để tăng cường cơ sở hạ tầng biên giới.
Được thành lập vào năm 1985, khu vực Schengen hiện bao gồm 27 quốc gia và là khu vực không biên giới lớn nhất thế giới, cho phép hàng triệu người di chuyển tự do giữa các quốc gia. Tất cả đều là các quốc gia EU, ngoại trừ bốn nước gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Theo thỏa thuận Schengen, việc kiểm soát biên giới giữa các bên ký kết đã bị bãi bỏ.
Tuy nhiên, một số quốc gia, bao gồm cả Áo, đã chọn khôi phục kiểm soát biên giới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư vào năm 2015, qua đó ngăn chặn những người xin tị nạn xâm nhập vào lãnh thổ của họ với số lượng lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!