Rộ bằng chứng việc Nga nhận tên lửa từ Iran để sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine

Đàm Linh (Theo CNN)-Thứ năm, ngày 12/09/2024 15:51 GMT+7

Hình ảnh vệ tinh ghi lại tàu chở hàng của Nga bị nghi chở tên lửa đạn đạo Iran, đang đậu tại một cảng biển trên Biển Caspi (Ảnh: Maxar Technologies)

VTV.vn - Truyền thông quốc tế đã tìm ra căn cứ cho những đồn đoán về việc Iran bí mật chuyển tên lửa đạn đạo cho Nga.

Ngày 11/9, hãng tin CNN đã chia sẻ hình ảnh vệ tinh cho thấy một tàu chở hàng của Nga bị nghi ngờ chở tên lửa đạn đạo Iran cho cuộc chiến của Moscow chống lại Ukraine, được nhìn thấy tại một cảng biển trên Biển Caspi cách đây 1 tuần.

Con tàu của Nga cập bến tại Cảng Olya 3 ở Astrakhan đã được Maxar Technologies xác định trong hình ảnh vệ tinh chụp vào ngày 4/9. Theo dữ liệu theo dõi, con tàu trước đó đã đậu ở cảng Amirabad của Iran vào ngày 29/8. Tuy nhiên, nó đã tắt bộ đáp ứng của mình tại một thời điểm nào đó sau đó.

Ngày 10/9, Bộ Tài chính Mỹ nhận định Bộ Quốc phòng Nga đã "sử dụng con tàu tại Cảng Olya-3 để vận chuyển tên lửa CRBM từ Iran đến Nga".

Rộ bằng chứng việc Nga nhận tên lửa từ Iran để sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine - Ảnh 1.

Ukraine công bố hình ảnh về tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất tấn công mục tiêu Nga (Ảnh: NRC)

"Vào đầu tháng 9/2024, Nga đã nhận được lô hàng CBRM (tên lửa đạn đạo tầm ngắn) đầu tiên từ Iran", Bộ Tài chính Mỹ cho biết khi công bố lệnh trừng phạt đối với Cảng Olya 3 cùng với các tàu khác và một số cá nhân Iran.

Mỹ và các đồng minh đánh giá việc Iran chuyển tên lửa cho Nga đánh dấu một sự leo thang đáng kể trong sự ủng hộ của Tehran đối với Moscow trong cuộc xung đột Ukraine.

Mối quan hệ quân sự giữa Iran và Nga đã trở nên khăng khít hơn kể từ khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022. Iran đã gửi hàng nghìn máy bay không người lái tấn công Shahed cho Nga và theo các quan chức Mỹ, Tehran còn xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái ở Nga.

Hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies công bố xuất hiện 1 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại London hôm 10/9, cáo buộc quân đội Nga đã nhận được các lô hàng tên lửa đạn đạo Fatah-360 của Iran và "có khả năng sẽ sử dụng chúng trong vòng vài tuần ở chiến trường Ukraine".

Fateh-360 có tầm bắn lên tới 120 km và có thể mang theo tải trọng 150 kg. Mặc dù tải trọng ít hơn nhiều loại bom trên không của Nga nhưng nó sẽ hữu ích khi nhắm vào các vị trí tiền tuyến của Ukraine từ khoảng cách đáng kể và với vai trò là một tên lửa đạn đạo, nó sẽ khó bị đánh chặn hơn nhiều.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đánh giá lực lượng Nga có khả năng sẽ sử dụng tên lửa do Iran cung cấp để nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng, quân sự và dân sự của Ukraine trong những tháng tới.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araghchi phủ nhận việc Cộng hòa Hồi giáo này cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga. Ông viết trên X: "Một lần nữa, Mỹ và E3 (Anh, Pháp và Đức) hành động dựa trên thông tin tình báo sai lệch và logic sai lầm. Iran không chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga. Chấm hết".

Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu tập đại biện lâm thời Iran, Shahriar Amouzegar vào tuần này sau khi có báo cáo về những đồn đoán liên quan đến Nga. Ông Amouzegar đã được cảnh báo về "hậu quả tàn khốc và không thể khắc phục" đối với quan hệ Ukraine - Iran nếu các báo cáo này là sự thật.

Rộ bằng chứng việc Nga nhận tên lửa từ Iran để sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine - Ảnh 2.

Tên lửa M142 HIMARS phóng theo hướng Bakhmut ngày 18/5/2023 tại tỉnh Donetsk, Ukraine. Ukraine đã nhận tên lửa HIMARS như một phần của các chương trình hỗ trợ quân sự quốc tế (Ảnh: Getty Images)

ISW - một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington - lưu ý rằng Iran trước đây đã chuyển vũ khí từ các cảng Amirabad và Anzali trên Biển Caspi đến Astrakhan.

Ngoại trưởng Mỹ Atony Blinken nói rằng Washington đã "cảnh báo riêng với Iran về khả năng leo thang xung đột đáng kể từ bước đi này". Ông Blinken cho biết hàng chục quân nhân Nga đã được đào tạo tại Iran để sử dụng Fateh-360 và việc cung cấp loại tên lửa này "cho phép Moscow sử dụng nhiều kho vũ khí hơn cho các mục tiêu xa hơn ở tiền tuyến".

Trước đó, các quan chức Mỹ đã nói với kênh CNN rằng các cuộc đàm phán của Nga để mua tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ Iran đã bắt đầu từ tháng 9/2023, khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga (khi đó là Sergei Shoigu) đến Tehran để tham khảo hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Ababil của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. "Về phần mình, Nga đang chia sẻ công nghệ mà Iran tìm kiếm. Đây là một con đường hai chiều, bao gồm cả các vấn đề hạt nhân, cũng như một số thông tin về không gian", ông Blinken nói thêm.

Điều vẫn chưa thể dự đoán việc Iran chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga có thuyết phục được Mỹ và các đồng minh châu Âu nới lỏng hạn chế cho phép Kiev sử dụng tên lửa phương Tây vào nhiều mục tiêu hơn trong lãnh thổ Nga hay không.

Tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất đôi khi đã được Ukraine sử dụng để tấn công các mục tiêu cách nước Nga khoảng 60 - 80 km. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn thường xuyên kêu gọi các đồng minh mở rộng phạm vi sử dụng tên lửa của phương Tây chống lại các mục tiêu bên trong nước Nga.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước