Nhiều giải pháp đã được chính quyền và các tổ chức thiện nguyện đưa ra để xử lý khẩn cấp tình hình và đối phó với những biến cố tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Khu vực ngoài khơi bờ biển Florida, những rạn san hô đã bị tẩy trắng trên diện rộng, nguyên nhân là do đợt nắng nóng vào cuối tháng 7 vừa qua. Có những thời điểm nhiệt độ nước biển ở khu vực này lên tới hơn 38 độ C.
Ông Brian Branigan - Thuyền trưởng tàu du lịch, bang Florida, Mỹ nói: "Những gì đã xảy ra trong hai tuần vừa qua, chỉ hai tuần thôi nhưng không khác gì một lời kêu cứu. Mọi thứ thật khủng khiếp, tôi đã muốn khóc khi lặn dưới nước vì phải chứng kiến điều này".
Theo Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, nhiệt độ mặt nước biển ở nhiều khu vực trên thế giới đã tăng lên đáng kể trong vài tuần qua. Đặc biệt tại Florida, nhiệt độ ghi nhận được có thể ở mức cao kỷ lục. Nhiều giải pháp đang được các chuyên gia tính đến để giải cứu rạn san hô ở khu vực này.
Bà Katey Lesneski - Điều phối viên Tổ chức "Sứ mệnh vì những rạn san hô biểu tượng", Mỹ cho biết: "Các rạn san hô cực kỳ quan trọng bởi vai trò của chúng với hệ sinh thái và các lợi ích kinh tế khác. Bằng cách di dời san hô tới vùng nước sâu hơn, mát hơn, chúng tôi hy vọng chúng sẽ có nhiều cơ hội sống sót trong những tuần tới".
Ở một khu vực khác, một nhóm tình nguyện viên là các cựu quân nhân Mỹ có nhiệm vụ chọn lọc các giống san hô mới có khả năng thích nghi tốt hơn với hoàn cảnh biến đổi khí hậu.
Ông Michael Crosby - Giám đốc điều hành Phòng thí nghiệm và thủy cung Mote Marine, Mỹ: "Những mảnh san hô đang trồng thử nghiệm đều là các loài bản địa và kiểu gen bản địa ở Florida, nhưng các nhà khoa học của chúng tôi đã xác định được các kiểu gen có khả năng chống chịu tốt hơn khi nhiệt độ nước tăng và tình trạng axit hóa đại dương".
Theo tính toán của các chuyên gia, các rạn san hô chiếm chưa đến 1% diện tích đại dương, nhưng ở một số thời điểm có tới 25% sinh vật biển phải sống phụ thuộc vào những rạn san hô này. Về mặt kinh tế, lượng hàng hóa và dịch vụ do các rạn san hô cung cấp được định giá lên tới 2,7 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Hội đồng Khoa học về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cảnh báo, trong trường hợp nền nhiệt toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C có thể làm rạn san hô ở các đại dương suy giảm từ 70-90%. Và nếu các nước không giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính, các rạn san hô có thể bị tẩy trắng hoàn toàn vào cuối thế kỷ này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!