Tổ chức Y tế Thế giới vẫn đang nỗ lực điều tra nguyên nhân lây lan các ca bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ngoài khu vực Tây và Trung Phi, nơi căn bệnh này là đặc hữu.
Các ca bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu hiện nay đều không liên quan, không có lịch sử di chuyển đến châu Phi, nơi căn bệnh này là đặc hữu. Điều này khiến các nhà khoa học bối rối. Phỏng đoán mới nhất là virus có thể lây truyền thông qua việc xử lý rác thải y tế.
Ông William Karesh - Chủ tịch Tổ chức Thế giới vì Sức khỏe động vật khuyến cáo: "Ở các cơ sở y tế nông thôn, chất thải y tế được thu gom và để riêng một chỗ, sau đó phải chờ cả tuần mới được di chuyển đến nơi xử lý chuyên biệt. Trong thời gian này các loại động vật, loài gặm nhấm có thể xé các túi nylon đựng rác ra và bị nhiễm virus. Chúng tôi muốn mọi người cần phải đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn sinh học trong thời điểm này".
Phát ban có thể xuất hiện 1 đến 5 ngày sau khi xuất hiện những triệu chứng ban đầu rồi phát triển thành mụn nước. Ảnh: Shutterst
Thống kê mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết, đã có thông tin về hơn 700 ca mắc đậu mùa khỉ trên toàn cầu, chủ yếu là tại châu Âu và Bắc Mỹ. Kết quả phân tích di truyền một số ca đậu mùa khỉ ở Mỹ cho thấy có hai chủng virus khác nhau đang lây lan ở nước này, đồng nghĩa khả năng virus đã âm thầm lây lan trong một thời gian.
Hiện ở Tây và Trung Phi mỗi năm có hàng nghìn người mắc đậu mùa khỉ. Kể từ đầu năm đến nay, khoảng 70 ca tử vong do bệnh này đã được ghi nhận tại 5 quốc gia châu Phi. Trên thực tế, số ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ là khá thấp và chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào trong đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay tại các nước ngoài Tây và Trung Phi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!