Trẻ em nhận thức ăn từ các tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội sau vụ hỏa hoạn tại một trại tị nạn ở Ukhia, Cox’s Bazar, Bangladesh (Ảnh: Getty)
Đây là liên minh có sự tham gia bước đầu của 41 thành viên, với cam kết đưa 500 triệu người thoát khỏi đói nghèo thông qua chuyển tiền mặt và hệ thống bảo trợ xã hội. Sáng kiến này tập hợp các quốc gia phát triển, tổ chức phi chính phủ và tổ chức tài chính để quyên góp tiền và chuyên môn cho những quốc gia đang cần sự hỗ trợ.
Mục đích của Liên minh toàn cầu chống đói nghèo đến năm 2030 sẽ không còn quốc gia nào trên bản đồ đói nghèo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO). Các sáng kiến được đề xuất bao gồm mở rộng các chương trình chuyển tiền mặt để tiếp cận 500 triệu người, cung cấp bữa ăn tại trường cho thêm 150 triệu trẻ em, hỗ trợ 200 triệu trẻ em dưới 6 tuổi và phụ nữ mang thai bằng các chương trình y tế.
Theo Bộ trưởng Phát triển Xã hội Brazil Wellington Dias, Liên minh toàn cầu chống đói nghèo có thể thu hút sự tham gia của 100 quốc gia trong những tháng tới, với hơn 50 quốc gia hiện đang chuẩn bị kế hoạch tham gia. Bộ trưởng Phát triển Xã hội Brazil cho biết việc chống đói nghèo hiện nay không phải là vấn đề về tiền, vì thế giới đầu tư khoảng 100 tỷ USD mỗi năm để chống lại đói nghèo.
Khoảng 500 triệu người có cơ hội thoát cảnh đói nghèo nhờ liên minh mới (Ảnh: TRT World)
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các khoản đầu tư cho đói nghèo hiện nay bị phân tán và phân bổ không hiệu quả. Việc ra mắt Liên minh toàn cầu chống đói nghèo được cho sẽ góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo toàn cầu.
Các quốc gia như Brazil, Ghana, Zimbabwe, Kenya, Chile, Indonesia, Cộng hòa Dominica hiện đã trình bày kế hoạch của họ. Các nhà tài trợ chính của Liên minh bao gồm Đức, Pháp, Anh, Na Uy, Tây Ban Nha, Liên minh châu Âu và nhiều tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO ) và Chương trình Lương thực Thế giới.
Theo dự kiến, lãnh đạo của nhóm các nền kinh tế lớn nhất G20 sẽ tới Brazil vào tuần tới để tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên G20 do Brazil tổ chức.
Chính phủ Brazil xem việc chống lại nạn đói trên thế giới là ưu tiên hàng đầu cùng với biến đổi khí hậu và cải cách quản trị đa phương trong thời gian đảm nhiệm vị trí Chủ tịch G20. Ngân hàng Thế giới ước tính sẽ cần 179 tỷ USD để đạt được mục tiêu xóa bỏ đói nghèo vào năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!