Quy định tiêm chủng bắt buộc bắt đầu có hiệu lực ở Áo

Quỳnh Chi (Theo France24)-Thứ bảy, ngày 05/02/2022 18:28 GMT+7

Người dân đi tiêm vaccine COVID-19 ở Vienna, Áo, ngày 4/2 sau khi việc tiêm chủng là bắt buộc ở nước này. (Ảnh: AP).

VTV.vn - Từ ngày 5/2, người dân trên 18 tuổi tại Áo phải tiêm vaccine COVID-19 hoặc đối mặt với khả năng bị phạt nặng, một biện pháp chưa từng có ở Liên minh châu Âu.

Quy định tiêm chủng vaccine bắt buộc mới, được Quốc hội Áo thông qua vào ngày 20/1/2022, đã được Tổng thống Alexander Van der Bellen ký thành luật vào ngày 4/2. Dự thảo luật được đưa ra vào tháng 11/2021 trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh chóng tại quốc gia này.

Chính phủ Áo quyết định theo đuổi cách tiếp cận mới cứng rắn hơn bất chấp những lời chỉ trích trong nước.

Ở nước láng giềng Đức, một đạo luật tương tự mà Thủ tướng Olaf Scholz ủng hộ đã được đưa ra tranh luận vào tháng 1/2022 tại Hạ viện nước này nhưng vẫn chưa đạt được tiến bộ do sự chia rẽ trong các chính trị gia.

Mặc dù biện pháp quyết liệt trên bắt đầu có hiệu lực nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở Áo vẫn chưa thể tăng cao và thấp hơn mức ở Pháp hoặc Tây Ban Nha.

Hiện các trung tâm tiêm chủng ở Vienna vẫn tương đối yên tĩnh.

Stefanie Kurzweil, thuộc hiệp hội nhân đạo Arbeiter Samariter Bund, giám sát một trong những điểm tiêm chủng, nói với hãng tin AFP cách đây vài ngày: "Chúng tôi còn lâu mới đạt đến công suất tối đa, mọi thứ đang hoàn toàn đình trệ".

Quy định tiêm chủng bắt buộc bắt đầu có hiệu lực ở Áo - Ảnh 1.

Từ ngày 5/2, tiêm vaccine COVID-19 là bắt buộc tại Áo. (Ảnh: AP)

Trước đó, những người không tiêm vaccine COVID-19 không được tới các nhà hàng, địa điểm thể thao và văn hóa. Tuy nhiên, kể từ nay, họ sẽ phải nộp tiền phạt nếu chưa tiêm chủng.

Luật áp dụng cho tất cả người dân trưởng thành tại Áo, ngoại trừ phụ nữ mang thai, những người đã nhiễm COVID-19 trong vòng 180 ngày qua và người được miễn trừ y tế.

Từ giữa tháng 3, người vi phạm sẽ phải nộp số tiền phạt từ 600 Euro đến 3.600 Euro (690 - 4.100 USD). Tuy nhiên, việc phải nộp tiền phạt sẽ được hủy bỏ nếu người bị phạt đã được tiêm chủng trong vòng hai tuần.

Hơn 60% người dân Áo ủng hộ biện pháp này, theo một cuộc khảo sát gần đây, nhưng một số lượng lớn cư dân vẫn phản đối mạnh mẽ.

Trong vài tuần sau khi công bố luật mới, hàng chục nghìn người đã xuống đường phản đối quy định tiêm chủng bắt buộc.

Một số nhà phê bình cũng đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc tiêm chủng mang tính cưỡng chế này do biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn nhiều so với các chủng virus khác.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã tuyên bố nới lỏng các hạn chế chống COVID-19 trước đó. Tuy nhiên, đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Áo Wolfgang Mueckstein, việc tiêm chủng bắt buộc nhằm mục đích bảo vệ đất nước trước những làn sóng bùng phát dịch mới, cũng như chống lại những biến thể mới.

Thẻ tiêm chủng ngày càng trở nên phổ biến ở một số quốc gia đối với một số ngành nghề hoặc hoạt động nhất định.

Châu Âu dùng chứng chỉ COVID-19 để bắt buộc tiêm mũi vaccine thứ ba Châu Âu dùng chứng chỉ COVID-19 để bắt buộc tiêm mũi vaccine thứ ba

VTV.vn - Nhiều nước châu Âu đang sử dụng chứng chỉ COVID-19 như một công cụ thúc ép người dân phải đi tiêm mũi vaccine thứ ba.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước