QC. (Tổng hợp)-Thứ tư, ngày 05/05/2021 12:58 GMT+7
Dự luật nhằm vào 6 mục tiêu chính, đề ra những biện pháp mới để bảo vệ môi trường. (Ảnh: AP)
Dự luật “Khí hậu và khả năng phục hồi” đã nhận được 332 phiếu ủng hộ so với 77 phiếu phản đối. Trái ngược với dự đoán là có khả năng chia rẽ phe đa số, văn bản luật này cuối cùng đã nhận được một sự đồng thuận rộng rãi. Dự luật sẽ được trình lên Thượng viện Pháp vào tháng 6 tới.
Dự luật nhằm vào 6 mục tiêu chính gồm thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi phương thức sản xuất và làm việc, thay đổi phương thức di chuyển, thay đổi hành xử trong ăn uống và tăng cường tư pháp bảo vệ môi trường. Dự luật đề ra những biện pháp mới để bảo vệ môi trường như tăng cường quyền tự quyết về môi trường cho các thị trưởng; tạo các khu phát thải thấp ở những thành phố lớn của Pháp; phát bữa ăn chay miễn phí hàng ngày cho các cộng đồng tình nguyện; thêm nhãn hiệu "điểm CO2" trên hàng hóa tiêu dùng.
Một phiên họp của Quốc hội Pháp. (Ảnh: Flickr)
Một số điều luật cấm cho thuê nhà hay căn hộ nếu mức tiêu hao năng lượng của ngôi nhà vượt quá một ngưỡng nào đó; hoặc cấm xe hơi ô nhiễm, đồng thời tài trợ cho người dân mua xe đạp. Các điều luật khác cấm các đường bay ngắn, buộc cantine trường học phải giảm số lượng thịt cá, hoặc siết lại việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành khu đô thị hay thương mại.
Văn kiện này đề ra nhiều lệnh cấm như cấm quảng cáo nhiên liệu hóa thạch, xóa bỏ các đường bay nội địa có khoảng cách dưới 2 giờ 30 phút và có thể thay thể bằng tàu cao tốc, cấm bán các loại xe gây ô nhiễm cao vào năm 2030, cấm cho thuê bộ lọc khí.
Dự luật sẽ còn phải được Thượng viện Pháp tranh luận và bổ khuyết vào giữa tháng 6/2021.
Trước đó, vào ngày 17/5/2016, Quốc hội Pháp đã thông qua một dự luật cho phép Chính phủ nước này phê chuẩn Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu. Dự luật đã được hầu hết nghị sĩ trong Quốc hội Pháp bỏ phiếu ủng hộ. Sau phiên bỏ phiếu được thông qua tại Quốc hội, dự luật được gửi tới Thượng viện để tiếp tục xem xét. Theo đó, Pháp là nước thành viên đầu tiên của Liên minh Châu Âu tiên phong trong việc phê chuẩn Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu nhằm ngăn chặn hiện tượng ấm lên toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!