Quốc đảo Singapore và câu chuyện làm việc từ xa

Huệ Anh-Thứ hai, ngày 25/05/2020 19:29 GMT+7

VTV.vn - Khái niệm làm việc từ xa (Telecommuting) không còn xa lạ khi thế giới bước sang năm 2020 và cùng lúc đối mặt đại dịch COVID-19.

Các công ty Singapore đang đẩy mạnh áp dụng Telecommuting. Thậm chí Chính phủ nước này mới đây còn đưa ra điều khoản bổ sung cho Đạo luật về Bệnh truyền nhiễm, rằng các chủ lao động không cho nhân viên làm việc tại nhà khi cần thiết có thể chịu mức phạt nghiêm khắc, buộc dừng mọi hoạt động kinh doanh, hoặc thậm chí là bỏ tù.

Theo đó, việc triển khai Telecommuting sẽ được "theo sát" bởi Bộ Nhân lực tại quốc đảo có mật độ dân số đông nhất thế giới này.

Quốc đảo Singapore và câu chuyện làm việc từ xa - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp tại Singapore đẩy mạnh áp dụng Telecommuting (Nguồn: Reuters)

Xu hướng cho phép nhân viên làm việc tại nhà, làm việc từ xa tại Singapore ngày càng trở nên phổ biến, khi các gã khổng lồ Facebook, Google hay Twitter đi tiên phong trong làn sóng chuyển đổi vĩnh viễn môi trường làm việc này, ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã "hạ nhiệt".

Quốc đảo Singapore và câu chuyện làm việc từ xa - Ảnh 2.

Facebook tuyên bố áp dụng chế độ làm việc từ xa vĩnh viễn (Nguồn: Reuters)

Liệu thời kỳ suy thoái của hạ tầng văn phòng có đang thực sự diễn ra? Bộ trưởng Bộ Phát triển Singapore, Lawrence Wong, đồng tình với bài toán "môi trường số" đồng thời khuyến khích người lao động coi đây như là một thời kỳ "bình thường mới" của mình.

Giám đốc tập đoàn đa quốc gia Manpowergroup của Mỹ tại Singapore cũng cho biết, việc các doanh nghiệp phải mở rộng diện tích văn phòng để tuân thủ các biện pháp cách ly an toàn, có thể là "chất xúc tác" đẩy xu hướng làm việc tại nhà "lên ngôi". Điển hình như hãng công nghệ toàn cầu HP với hơn 3.000 nhân lực là người Singapore mới đây cũng cho biết, họ không hề hy vọng sự "tái trở lại" của môi trường văn phòng truyền thống.

Quốc đảo Singapore và câu chuyện làm việc từ xa - Ảnh 3.

Hãng công nghệ toàn cầu HP không hy vọng sự "tái trở lại" của môi trường văn phòng truyền thống (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, làn sóng này có thể không phải giải pháp an toàn và tối ưu nhất cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm hay vận chuyển. Đại dịch có thể tạo ra "cánh cửa cơ hội" cho khái niệm làm việc từ xa. Tuy nhiên, không phải ai cũng có "chìa khóa" phù hợp.

Một cuộc thăm dò được thực hiện bởi Forrester đã chỉ ra rằng, số người lao động "sốt ruột" chờ đến ngày được đi làm đã tăng từ 34% lên 50%. Theo đó, tiến sĩ Yam thuộc Trường đại học Quốc gia Singapore NUS cũng khẳng định, công nghệ sẽ không thể thay thế sự tương tác trực diện.

Các doanh nghiệp Singapore vẫn đang giải bài toán mang tên "sự cân bằng". Viễn cảnh về nền kinh tế mang mô hình "lai", mô hình kết hợp giữa làm việc ở văn phòng và ở nhà, có thể sẽ xảy ra, buộc các doanh nghiệp phải phân chia thời gian và không gian làm việc phù hợp. Mô hình "Cốt lõi và Linh hoạt" (Core-and-flex) cũng có thể là lựa chọn hoàn hảo. Những nhóm nhân lực "đầu não" sẽ làm việc tại văn phòng, trong khi "làm việc chung" (Coworking) sẽ là lời giải thích đáng cho những nhóm nhân lực linh động hơn về mặt thời gian và địa điểm làm việc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước