Bài phát biểu "hóa giải" các "đòn tấn công" của chính quyền ông Donald Trump
Hôm 5/8 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có bài trả lời phỏng vấn độc quyền với Tân Hoa Xã - cơ quan ngôn luận lớn nhất của Trung Quốc - liên quan đến quan hệ căng thẳng Trung - Mỹ hiện nay và đưa ra các đề xuất để khẩn cấp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai siêu cường này. Tuy chưa phản ánh đầy đủ nhưng bài phát biểu cũng giúp phác họa phần nào về suy nghĩ cũng như cách xử lý hiện nay nhằm hóa giải căng thẳng quan hệ hai bên.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh: AFP
Cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều "điểm nóng" trong quan hệ Mỹ - Trung, bao gồm: quyền tự chủ của Hong Kong, vấn đề Biển Đông, nhân quyền và các vấn đề liên quan đến Tập đoàn Huawei...
Trước tiên, nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc thừa nhận quan hệ Mỹ - Trung đang ở giai đoạn "nguy hiểm nhất" kể từ khi thiết lập quan hệ, chứng kiến một loạt trao đổi và hợp tác song phương đã bị phá vỡ. Ông Vương Nghị cũng lên tiếng chỉ trích Washington châm ngòi cuộc chiến tranh lạnh mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đẩy thế giới vào "hỗn loạn và chia rẽ".
"Trung Quốc của ngày nay không phải là Liên bang Xô Viết trước đây" - Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định - "Chúng tôi không có ý định trở thành nước Mỹ thứ hai. Trung Quốc không mộng tưởng và không bao giờ can thiệp vào việc nội bộ của quốc gia khác".
Trước đó, một số quan chức Mỹ cảnh báo, Bắc Kinh muốn "thế ngôi" Mỹ để trở thành siêu cường quốc thống trị thế giới. Quan điểm này lên đến đỉnh điểm trong các bài phát biểu của một số quan chức cấp cao Mỹ - những người chỉ trích Trung Quốc đang cố gắng lập lại trật tự thế giới.
"Căn nguyên là do một số chính khách Mỹ có thành kiến với Trung Quốc. Họ đã dùng quyền hành trong tay để bôi nhọ Trung Quốc bằng những điều bịa đặt, cản trở quan hệ với Trung Quốc" - ông Vương Nghị nói.
Vết rạn trong quan hệ hai bên tiếp tục "phình lên" khi Mỹ cáo buộc các công ty công nghệ của Trung Quốc, gồm Tập đoàn Công nghệ viễn thông Huawei và gần đây là ứng dụng TikTok của Công ty Công nghệ Internet ByteDance, là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Washington cũng gây sức ép lên các nước đồng minh để chặn cửa Huawei thâm nhập mạng 5G của các quốc gia này.
Về phía Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị gọi những hành động đó của Mỹ là "ví dụ điển hình của sự ức hiếp" và vi phạm các quy định quốc tế về thương mại công bằng. Trung Quốc luôn là một người bảo vệ mạnh mẽ hệ thống quốc tế.
Tuy nhiên, ông Vương Nghị nhấn mạnh, cho dù hai bên vẫn còn nhiều sự khác biệt, "không nhất thiết phải tìm cách thay đổi lẫn nhau". Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định, ông không muốn thấy một cuộc Chiến tranh lạnh mới với Mỹ, bởi điều đó chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực cho thế giới.
Trước cục diện phức tạp đó, Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, hai bên cần thiết phải tạo dựng khuôn khổ rõ nét cho quan hệ Trung - Mỹ:
Một, phải xác định rõ giới hạn đỏ, tránh đối kháng. Quan hệ Trung - Mỹ muốn phát triển lành mạnh, mấu chốt là kiên trì tôn trọng lẫn nhau. Trung Quốc chưa từng, cũng không bao giờ can thiệp vào bầu cử và công việc nội bộ của Mỹ, Mỹ cũng nên vứt bỏ "mộng tưởng" về cải tạo Trung Quốc theo nhu cầu của mình, đình chỉ can thiệp vô lý vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đình chỉ chèn ép ngang ngược các quyền lợi chính đáng của Trung Quốc.
Hai, phải làm thông suốt kênh trao đổi, đối thoại thẳng thắn. Đối thoại là tiền đề giải quyết vấn đề, không có đối thoại thì vấn đề sẽ tích tụ ngày càng nhiều, thậm chí dẫn đến mất kiểm soát. Trung Quốc luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại, sẵn sàng trao đổi và giao lưu với Mỹ với thái độ bình đẳng và cởi mở, nối lại cơ chế đối thoại trên các tầng nấc và trong các lĩnh vực.
Ba, không được tách rời mà phải duy trì hợp tác Trung - Mỹ. Lợi ích Trung - Mỹ giao thoa sâu sắc, cưỡng chế tách rời sẽ khiến quan hệ hai nước bị tác động lâu dài, gây nguy hại tới an ninh của chuỗi công nghiệp quốc tế và lợi ích các nước. Trong tình hình dịch COVID-19, Trung Quốc sẵn sàng cùng Mỹ tiến hành hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực như phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế, học hỏi tham khảo lẫn nhau và chia sẻ những kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh, cùng tham gia và thúc đẩy hợp tác đa phương về phòng chống dịch bệnh trên toàn cầu.
Bốn, phải từ bỏ "trò chơi" chỉ một bên có lợi, cùng gánh vác trách nhiệm. Thế giới ngày nay không ngừng xuất hiện các vấn đề mang tính toàn cầu, thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen, hầu như mọi vấn đề nóng quốc tế và khu vực đều không thể tách rời sự điều phối và ứng phó của hai nước Trung - Mỹ nói riêng và các nước trên thế giới nói chung. Hai bên Trung - Mỹ cần phải triển khai điều phối và hợp tác cần thiết trong cơ chế đa phương như Liên Hợp Quốc, cùng dốc sức cho hòa bình và ổn định của thế giới với hoài bão loài người, thực hiện trách nhiệm nước lớn.
Loạt bài "tấn công phủ đầu" từ phía Mỹ
Giới quan sát cho rằng cách tiếp cận kiểu "búa tạ" của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, có vẻ với ý định tiến đến một cuộc Chiến tranh Lạnh nữa và không để dư địa cho đối thoại với Trung Quốc.
Chính sách của Mỹ với Trung Quốc đang thay đổi - Ảnh: Financial Times
Để hiểu được phần nào chính sách hiện nay của chính quyền Mỹ với Trung Quốc, theo nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế, cần phải đọc ít nhất 5 bài phát biểu quan trọng gần đây của 5 nhân vật chủ chốt nhất trong chính quyền ông Donald Trump về Trung Quốc.
Bắt đầu bằng bài diễn văn của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2/2020. Tiếp đó là các bài phát biểu của Cố vấn An ninh Robert O'Brien, Bộ trưởng Tư pháp William Barr, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Giám đốc FBI Christopher Wray.
Có lẽ trong vài chục năm gần đây, chính trường Mỹ chưa từng chứng kiến 5 nhân vật chủ chốt của chính quyền phối hợp nhịp nhàng với nhau, phát biểu gần như cùng lúc về cùng một chủ đề, một "đối tượng". Xin được tóm tắt ý chính của mỗi bài phát biểu như sau:
- Bài của Cố vấn An ninh Quốc gia O'Brien giúp hiểu được cách đề cập tổng thể nhất chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.
- Bài của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper giúp đánh giá về các thách thức quốc phòng và cách thức Mỹ phối trí, triển khai sức mạnh và xây dựng liên minh quốc phòng.
- Bài của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bổ sung cho 2 bài trên, giúp thấy rõ ngoại giao Mỹ nhìn nhận ra sao về "thách thức", "mối đe dọa" từ Trung Quốc, cách thức Mỹ huy động nguồn lực bên trong và bên ngoài, tập hợp lực lượng để đối phó.
- Bài của Giám đốc FBI Christopher Wray giúp thấy Mỹ nhìn nhận mối đe dọa từ bên trong nước ra sao và cách thức FBI "bóc gỡ" ảnh hưởng của Trung Quốc.
- Bài của Bộ trưởng Tư pháp William Barr sẽ giúp thấy rõ hơn các cơ quan thực thi pháp luật phối hợp cùng FBI ra sao để không chỉ điều tra, truy tố mà còn tìm cách ngăn chặn việc Trung Quốc xâm nhập, gây ảnh hưởng.
Liệu quan hệ Mỹ - Trung có tiếp tục rơi tự do?
Tờ Los Angeles Times bình luận, trong nhiều năm, Mỹ vẫn hy vọng có thể thay đổi Trung Quốc. Nhưng điều đó không xảy ra.
Trung Quốc hiện đang theo đuổi chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn và quyết liệt. Trong khi đó, nước này cũng đã tiến cao hơn trong các chuỗi cung ứng và lên đến mức cạnh tranh trực tiếp với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và du hành vũ trụ, đôi khi bằng cách đánh cắp tài sản trí tuệ - theo cáo buộc của các quan chức Mỹ.
Một số nhà quan sát Trung Quốc nói rằng, kỳ vọng về hệ thống lãnh đạo của nước này thay đổi chỉ là điều xa vời.
Các chuyên gia cho rằng, cách thông thường để tháo ngòi xung đột là lãnh đạo hai nước nói chuyện với nhau, giống như nhiều lãnh đạo từng làm trước đây. Nhưng theo các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình chưa có cuộc nói chuyện nào với nhau từ tháng 3 đến nay.
Bà Susan Shirk, cựu Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ và hiện là Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21 tại Đại học San Diego, cho rằng, Trung Quốc sẽ kiềm chế và đợi đến cuộc bầu cử Mỹ. Nếu đối thủ của ông Trump là cựu Phó Tổng thống Joe Biden đắc cử, chính quyền mới của Mỹ sẽ mềm mỏng hơn với Bắc Kinh, bà Shirk nhận định.
Trước tháng 11, cả hai bên có thể sẽ hành động cứng rắn hơn nữa, như trục xuất các nhà ngoại giao hoặc đóng cửa Đại sứ quán.
Trung Quốc có thể sẽ gây sức ép lên ông Trump bằng kinh tế. Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình cho ngừng mua nông sản Mỹ, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các vùng có đông cử tri ủng hộ ông Trump, khiến Tổng thống Mỹ phải lùi bước. Hoặc ông Trump cũng có thể lùi bước khi các thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái quá tồi tệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!