Bộ Quốc phòng Saudi Arabia cho rằng vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của nước này xuất phát từ phía Bắc và do Iran chịu trách nhiệm. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị Bộ Tài chính Mỹ siết chặt trừng phạt với Iran, chi tiết cụ thể chưa được tiết lộ.
Nga kêu gọi một cuộc điều tra khách quan trước khi đưa ra kết luận. Phản ứng sau những động thái mới nhất, Iran bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng Mỹ và các đồng minh cố chấp, tìm lý do để gây sức ép với Iran. Dù trước đó nhóm phiến quân Houthi tại Yemen giáp với Saudi Arabia đã lên tiếng nhận trách nhiệm nhưng Saudi Arabia vẫn cho rằng vụ tấn công là do Iran.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Iran chịu trách nhiệm dựa trên phỏng đoán là Houthi không thể làm chủ những công nghệ phức tạp, tấn công bằng thiết bị bay không người lái. Nhưng thực tế có phải như vậy? Houthi là lực lượng gì, đóng vai trò gì ở khu vực? Quan hệ của Houthi với Saudi Arabia cũng như với Iran là thế nào?
Houthi là một nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shiite, nổi lên từ vùng Tây Bắc Yemen. Tên của lực lượng này được đặt theo tên của cựu thủ lĩnh nhóm là Hussein Badreddin al-Houthi. Năm 2004 nội chiến Yemen trở nên căng thẳng, đánh dấu sự trỗi dậy của các phong trào đảo chính như của Houthi ở phía Bắc và các lực lượng ly khai khác ở phía Nam.
Năm 2014, Houthi chiếm quyền kiểm soát thủ đô Sanaa và tiến tới những vị trí chiến lược khác buộc Tổng thống Hadi của Yemen phải lưu vong sang Saudi Arabia. Nước này cũng đã gửi vũ khí và tài trợ cho các lực lượng vũ trang chống lại phiến quân Houthi ở Yemen. Đây là lý do cho sự đối đầu giữa Houthi và Saudi Arabia.
Tính tới nay, Houthi là lực lượng kiểm soát phần lớn khu vực Tây Bắc Yemen, các vùng còn lại là do các lực lượng thân Chính phủ cùng đồng minh như Saudi Arabia và các lực lượng khủng bố như Al-Qaeda kiểm soát.
Giao tranh giữa phiến quân Houthi và lực lượng Chính phủ diễn ra liên miên. Việc Houthi có khả năng duy trì các hoạt động quân sự bị Saudi Arabia cáo buộc là do có sự hỗ trợ từ Iran. Nhưng thực tế, Houthi đã có quyền kiểm soát kho vũ khí của quân đội Yemen khi đảo chính và thậm chí cả rất nhiều kỹ sư để phục vụ công nghệ.
Ví dụ những tên lửa Scud cũ do Nga sản xuất thuộc biên chế quân đội Yemen được lực lượng Houthi cưa đôi, nâng cấp bình nhiên liệu, trở thành tên lửa Burkan, có tầm bắn xa hơn, vươn tới cả phía Nam Saudi Arabia.
Vụ tấn công nhằm vào Aramco sử dụng máy bay không người lái, có thể Houthi không đủ sức để chế tạo, nhưng không có nghĩa lực lượng này không thể mua từ những nhà thầu quân sự độc lập.
Ví dụ, lực lượng Houthi có thể sở hữu một trong những chiếc máy bay không người lái lớn nhất hiện nay là chiếc Guardian của Na Uy, có khả năng mang 200kg vũ khí. 10 chiếc Guardian sẽ mang tới sự tàn phá giống như tại Aramco của Saudi Arabia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!