Nhật Bản thắt chặt an ninh bảo vệ các chính trị gia
Đài truyền hình Nhật Bản NHK đưa tin, ngay sau khi vụ xả súng xảy ra, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ thị thắt chặt an ninh đối với các bộ trưởng trong Nội các và các chính trị gia khác trước cuộc bầu cử Thượng viện vào Chủ nhật, ngày 10/7 tới.
Tuyên bố của thủ tướng Fumio được đưa ra bởi những hình ảnh được nhân chứng từ hiện trường ghi lại cho thấy vụ tấn công xảy ra khi có sự hiện diện của an ninh, nhưng điều khó hiểu là những người xung quanh vẫn có thể tiếp cận cựu thủ tướng Abe một cách dễ dàng. Đoạn phim do NHK phát sóng cho thấy ông Abe đang đứng trên sân khấu, trước khi một người đàn ông mặc áo sơ mi xám tiếp cận từ phía sau, rút vũ khí từ trong túi ra và nổ súng từ khoảng cách 3 mét.
Chính vì vậy, câu hỏi được đặt ra là sẽ cần phải thay đổi điều gì trong việc bảo vệ các nhân vật cấp cao ở một quốc gia mà bạo lực chính trị và tội phạm súng là cực kỳ hiếm.
Kênh Truyền hình Channel NewsAsia của Singapore trích lời một số nhà bình luận cho biết an ninh xung quanh cựu thủ tướng đáng lẽ phải được tăng cường.
Thủ phạm thực hiện vụ xả súng đứng rất gần Cố Thủ tướng Abe. Ảnh New York Times
Masazumi Nakajima, một cựu thám tử cảnh sát Nhật Bản, nói với đài truyền hình TBS của Nhật Bản rằng: "Bất cứ ai cũng có thể bắn trúng ông Abe từ khoảng cách đó".
"Ông Abe cần được bảo vệ từ mọi hướng", Koichi Ito, một chuyên gia an ninh VIP, nói với đài truyền hình quốc gia NHK. "Nếu loại việc này không được thực hiện 100% thì không tốt."
Grant Newsham, một sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu và là cựu quan chức ngoại giao tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, cho biết ông mong đợi sự thận trọng hơn và bảo vệ chặt chẽ hơn đối với các chính trị gia cấp cao ở Nhật Bản sau vụ việc đau buồn này.
Robert Ward, một thành viên cấp cao về Nghiên cứu An ninh Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London, Anh cho biết: "Vấn đề an ninh phải được kiểm soát lại. Rõ ràng cần tăng cường an ninh đối với các chính trị gia, đặc biệt là Thủ tướng Fumio".
Tuy nhiên, sự gần gũi với cử tri là một đặc điểm của chiến dịch tranh cử của các chính trị gia Nhật Bản. Trên thực tế, các chính trị gia ở Nhật Bản thường đi du lịch hoặc xuất hiện trước đám đông dưới sự bảo vệ an ninh ít hơn so với những người đồng cấp ở Mỹ và các quốc gia khác – những nơi có tỷ lệ tội phạm bạo lực cao hơn.
Những nghi vấn về khẩu súng được sử dụng để sát hại Cựu Thủ tướng Abe
Người đứng đầu Hiệp hội thợ săn Nhật Bản (Dainihon Ryoyukai) cho biết loại súng được sử dụng trong vụ sát hại cựu Thủ tướng Abe Shinzo có thể là súng tự chế.
Ông Sasaki Yohei, người đứng đầu Hiệp hội thợ săn Nhật Bản trả lời phỏng vấn Đài truyền hình NHK rằng nghi phạm thực hiện vụ tấn công không phải là thành viên của tổ chức này.
Thủ phạm và khẩu súng tự chế. Ảnh AFP
Ông cũng phủ nhận khả năng khẩu súng được hung thủ sử dụng là một khẩu súng bắn đạn ghém, hay còn được gọi là súng hoa cải. Lý do là tại Nhật Bản, để sở hữu một khẩu súng hoa cải thì buộc phải có giấy phép. Trả lời về vấn đề khói mà vũ khí trong vụ xả súng được báo cáo ghi nhận, ông cho biết, một khẩu súng hoa cải thông thường hầu như không tạo ra khói.
Ông nói thêm rằng khẩu súng được ghi nhận trong video của Đài truyền hình NHK nhỏ hơn nhiều so với một khẩu súng hoa cải thông thường dài khoảng 140 cm.
Sau khi xem xét các hình ảnh từ hiện trường vụ tấn công, ông Sasaki cho biết mặc dù ông đã nhìn thấy nhiều loại súng ở nước ngoài nhưng chưa bao giờ nhìn thấy loại súng nào như loại súng được thủ phạm sử dụng. Theo phân tích của ông Sasaki, khẩu súng tại hiện trường không có chỗ để nạp đạn, do đó đây có thể là một khẩu súng đã được sửa đổi một cách thô sơ.
Nhật Bản hiếm khi xảy ra xả súng nhờ
luật sở hữu súng đạn
"Bạo lực súng đạn cực kỳ hiếm ở Nhật Bản". Hãng tin CNN đã đưa ra lời nhận định như vậy.
Muốn sở hữu và sử dụng súng ở Nhật Bản, người dân phải đăng ký học và thực hiện nhiều bài kiểm tra. Ảnh CBS
Năm 2018, Nhật Bản, quốc gia có 125 triệu dân, chỉ báo cáo 9 trường hợp tử vong vì súng - so với 39.740 ca tử vong cùng năm đó ở Mỹ, theo dữ liệu do Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Sydney tổng hợp.
Bà Nancy Snow, Giám đốc Hội đồng Công nghiệp An ninh Quốc tế Nhật Bản, cho biết vụ nổ súng sẽ thay đổi xã hội Nhật Bản mãi mãi.
"Nó không chỉ hiếm mà còn thực sự khó hiểu về mặt văn hóa", bà nói với CNN. "Người dân Nhật Bản không thể tưởng tượng được lại có một nền văn hóa sử dụng súng như ở Mỹ. Đây là một khoảnh khắc không nói nên lời. Tôi thực sự cảm thấy không nói nên lời."
Theo luật súng đạn của Nhật Bản, các loại súng duy nhất được phép bán là súng hoa cải và súng trường (hay còn gọi là súng hơi) - những loại súng ngắn không được nằm trong danh sách sở hữu hợp pháp. Nhưng để sở hữu được một khẩu súng theo đúng pháp luật đi chăng nữa lại là một quá trình lâu dài và phức tạp, đòi hỏi nỗ lực và rất nhiều kiên nhẫn.
Để đủ điều kiện nhận giấy phép súng, người mua phải tham gia một khóa học dài hạn, vượt qua bài kiểm tra viết và bài kiểm tra ngắm bắn với độ chính xác ít nhất là 95%. Họ cũng phải trải qua một cuộc đánh giá sức khỏe tâm thần và kiểm tra ma túy, cũng như kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt - bao gồm xem xét hồ sơ tội phạm, nợ cá nhân, có tham gia vào tổ chức tổ chức tội phạm nào không và có vấn đề về các mối quan hệ với gia đình và bạn bè hay không.
Sau khi có được quyền mua súng, chủ sở hữu phải đăng ký vũ khí của họ với cảnh sát và cung cấp thông tin chi tiết về nơi cất giữ súng và đạn của họ. Súng và đạn phải được cất trong các ngăn riêng biệt và có khóa. Khẩu súng phải được cảnh sát kiểm tra mỗi năm một lần. Những người sở hữu súng phải học lại luật và thi theo kỳ hạn ba năm/lần để gia hạn giấy phép sở hữu và sử dụng súng.
Số lượng chủ sở hữu súng tư nhân ở Nhật Bản rất thấp
Vào năm 2017, ước tính chỉ có khoảng 377.000 khẩu súng được sở hữu bởi người dân ở Nhật Bản, so với dân số 125 triệu người. Con số này có nghĩa là chỉ 0,25 khẩu súng trên 100 người dân, so với khoảng 120 khẩu súng trên 100 người ở Mỹ.
Vụ nổ súng gần đây nhất được biết đến là nhắm vào một chính trị gia ở Nhật Bản năm 2007. Nạn nhân là thị trưởng thành phố Nagasaki, ông Iccho Ito, bị một tên xã hội đen bắn ít nhất hai phát đạn vào lưng ở cự ly gần. Nạn nhân sau đó đã thiệt mạng.
Kể từ đó, Nhật Bản đã thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát súng, áp đặt các hình phạt nặng hơn đối với các tội phạm sử dụng súng, nhất là đối với các thành viên của các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Theo bản sửa đổi, sở hữu súng được coi là một tội phạm có tổ chức, có thể bị kết án 15 năm tù; sở hữu nhiều hơn một khẩu súng cũng bị kết án với tội danh và mức phạt từ tương tự. Trong khi đó, xả súng ở nơi công cộng có thể lãnh án chung thân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!