Quyết định này khiến Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ, trong lúc ngày càng có nhiều nước thắt chặt quy định, thậm chí nghiêm cấm nạo phá thai.
Tại Pháp, phụ nữ đã có quyền phá thai hợp pháp kể từ khi luật lần đầu được thông qua vào năm 1974. Luật này sau đó được cập nhật nhiều lần, với sửa đổi mới nhất vào tháng 2/2022, mở rộng quyền tiếp cận phá thai đối với thai nhi từ 12 đến 14 tuần tuổi.
Tuy nhiên, Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron muốn Điều 34 của Hiến pháp nước Pháp được sửa đổi, bao gồm việc "luật pháp xác định các điều kiện mà một người phụ nữ có quyền được đảm bảo để phá thai", từ đó đảm bảo quyền phá thai đối với phụ nữ là một quyền lợi không thể đảo ngược.
Ngày 30/1, Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật do chính phủ đệ trình, đưa quyền "tự nguyện chấm dứt thai kỳ" vào Hiến Pháp, rồi tới quyết định của Thượng viện vào ngày 28/2. Tối 29/2, Thượng viện Pháp đã chính thức thông qua quyết định này, với tỷ lệ 267 phiếu ủng hộ, 50 phiếu chống.
Sau khi Hạ viện và Thượng viện thông qua dự luật, Tổng thống Emmanuel Macron đã thông báo triệu tập Quốc hội lưỡng viện tại phòng Hội nghị ở Cung điện Versailles vào ngày 4/3 để tiến hành cuộc bỏ phiếu cuối cùng. Kết quả có 780 phiếu ủng hộ, 72 phiếu chống và 50 phiếu trắng.
Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 4/3, Tổng thống Pháp thông báo quyết định tổ chức lễ kỷ niệm sự kiện quan trọng này vào đúng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Nhiều quan chức, chính khách và giới bảo vệ nhân quyền tại Pháp đã hoan nghênh, coi đây một bước tiến mang tính chất quyết định và là một trang sử mới trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền của phụ nữ, thể hiện sự tiên phong của nước Pháp trong việc bảo vệ quyền tự do phá thai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!