Khủng hoảng ngoại giao trên không chỉ diễn ra giữa 3 nước Mỹ, Anh, Australia với Pháp mà còn giữa liên minh xuyên Đại Tây Dương.
Liên minh châu Âu (EU) đã hủy các cuộc gặp đa phương với Mỹ bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 76, hoãn họp trù bị với Washington về hợp tác thương mại để bày tỏ sự ủng hộ với Pháp. Đã có những động thái trấn an, xoa dịu nhưng đây hiện vẫn là vấn đề mà các bên đang có tính toán chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương xem xét thận trọng.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clément Beaune ngày 21/9 cho biết, Paris sẽ không nhanh chóng gác lại tranh cãi với Australia liên quan việc phá vỡ hợp đồng tàu ngầm. Theo ông Beaune, quan hệ hai bên đang rất khó khăn và Paris đang đánh giá mọi lựa chọn về cách thức phản ứng. Quan chức này cũng cho rằng, đây sẽ là vấn đề của cả EU chứ không chỉ là vấn đề của riêng nước Pháp.
Trong khi đó, các Ngoại trưởng EU đã có cuộc họp bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh sự ủng hộ và đoàn kết với Pháp. Một cuộc họp đa phương giữa Mỹ với các đối tác EU, bao gồm Pháp, cũng đã bị hủy bỏ. EU sẽ đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự trong Hội nghị thượng đỉnh của khối dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.
Về phần mình, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố không có kế hoạch gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 76. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị trao đổi ý kiến với Tổng thống Pháp nhằm xoa dịu căng thẳng.
NATO cho biết không đứng về phía nào trong tranh chấp và nhấn mạnh sự gắn kết về các mục tiêu chính của liên minh. Tổng Thư ký NATO John Stoltenberg tin tưởng, Pháp, Anh, Mỹ sẽ tìm ra hướng đi phù hợp, không để bất đồng tạo ra các vấn đề lâu dài cho liên minh. Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO khẳng định, vụ việc không ảnh hưởng đến "hợp tác quân sự" trong khối.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!