Bọt độc trôi nổi trên sông Yamuna ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 29/10/2024. (Ảnh: AP)
Sông Yamuna - một trong những con sông linh thiêng nhất Ấn Độ tại thủ đô New Delhi, hiện bị bao phủ bởi lớp bọt trắng độc hại do ô nhiễm từ các khu công nghiệp. Dòng sông cung cấp hơn nửa lượng nước cho thủ đô Ấn Độ, đang trở thành mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng cho cư dân thành phố.
Bên cạnh tình trạng ô nhiễm nguồn nước đáng lo ngại, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại New Delhi hiện đang "rất không tốt", khiến thành phố này nằm trong số những nơi ô nhiễm nhất thế giới.
Mùa lễ hội tại Ân Độ đang làm tình hình trầm trọng thêm, khi chất lượng không khí ngày 29/10 vừa qua ở mức "rất kém" - với chỉ số 273, cao gấp 18 lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Bụi mịn PM 2.5, một trong những yếu tố nguy hại nhất, có thể thâm nhập sâu vào phổi và gây ra nhiều bệnh lý.
Sông Yamuna ở New Delhi, Ấn Độ - đầy bọt độc, ngày 29/10/2024. (Ảnh: AP)
Dù vậy, người dân New Delhi vẫn duy trì việc tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng trên sông Yamuna. Jasraj, một người dân 70 tuổi, cho biết ông đã thực hiện nghi lễ tắm trên sông từ năm 1980 và tin rằng "dưới bề mặt, dòng sông vẫn sạch". Tuy nhiên, nhiều người khác, như anh Shishupal Kumar, một công nhân, lo ngại khi cho rằng con sông giờ đây "ngập hóa chất, giống như tuyết phủ trên núi".
Sông Yamuna, dài 1.376 km, là một trong những dòng sông ô nhiễm nhất thế giới. Mặc dù, giới chức Ấn Độ đã có các biện pháp kiểm soát, nhưng nước thải và hóa chất vẫn xả ra sông khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Chính quyền New Delhi đã triển khai các giải pháp, bao gồm sử dụng chất khử bọt và dựng hàng rào ngăn người dân tiếp cận các khu vực ô nhiễm.
Những công nhân đang sưởi ấm trước đống lửa trên bờ sông Yamuna đầy bọt độc trôi nổi, ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 29/10/2024. (Ảnh: AP)
Mùa đông đã trở thành mùa báo động về sức khỏe tại thủ đô với dân số hơn 20 triệu người. Năm 2024, tình trạng ô nhiễm tại thành phố này được dự báo sẽ nghiêm trọng hơn khi lễ hội Chhath Puja và Diwali đến gần. Các giải pháp tạm thời như dừng các công trình xây dựng, hạn chế xe chạy bằng dầu diesel và sử dụng thiết bị chống khói mù đã được triển khai, nhưng ô nhiễm môi trường vẫn là một bài toán nan giải, đặc biệt khi các khu vực nông nghiệp lân cận vẫn tiếp tục đốt rơm rạ sau thu hoạch, làm gia tăng mức độ khói bụi trong không khí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!