Ổ dịch COVID-19 trên du thuyền lớn nhất thế giới, một số nước có ca tử vong đầu tiên vì Omicron

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ tư, ngày 22/12/2021 06:23 GMT+7

Đến nay, hơn 276,2 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 22/12, thế giới có trên 276,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,38 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 52,14 triệu ca mắc và hơn 830.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 84.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Biến thể Omicron hiện nay đã trở thành biến thể phổ biến nhất gây ra các ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng bệnh Mỹ, chỉ sau chưa đầy 3 tuần kể từ ca bệnh đầu tiên, các ca nhiễm Omicron hiện đã chiếm hơn 73% số ca mắc mới COVID-19 tại nước này. Trong khi vào tuần trước, Omicron mới chỉ chiếm 12,6% số ca nhiễm mới tại Mỹ.

Hiện Mỹ đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do nhiễm biến thể Omicron, là một người đàn ông ngoài 50 tuổi, chưa tiêm phòng COVID-19. Thị trưởng thủ đô Washington đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố vì số ca nhiễm tăng mạnh, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng dịch như tiêm chủng bắt buộc đối với người lao động, bao gồm cả việc tiêm mũi vaccine tăng cường, đồng thời mở rộng xét nghiệm.

Nhằm ứng phó với sự lây lan biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, Chính phủ Mỹ có kế hoạch thành lập các điểm xét nghiệm COVID-19 ở thành phố New York trong tuần này và mua 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh tại nhà để cung cấp miễn phí cho người dân kể từ tháng 1/2022.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 21/12, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,75 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 478.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, nước này đã ghi nhận 200 ca nhiễm biến thể Omicron tại 12 bang. Như vậy, tổng số ca nhiễm biến thể Ômicron tại Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng một tuần. Thông báo của giới chức Y tế Ấn Độ cho biết, 80% số ca nhiễm biến thể Omicron tại nước này không có triệu chứng. Ấn Độ chưa ghi nhận ca tử vong nào do Omicron. Thủ hiến bang Delhi kêu gọi người dân đeo khẩu trang và đề nghị Chính phủ liên bang cho phép tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường. Delhi hiện đã tiêm 2 liều vaccine cho khoảng 70% trong tổng số 15 triệu người trưởng thành.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 617.900 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,2 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Bộ Y tế Brazil cho biết, những người suy giảm miễn dịch tại nước này có thể được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư. Mũi tiêm tăng cường này có thể được tiêm ít nhất 4 tháng sau khi hoàn tất mũi tiêm thứ ba. Giới chức Brazil cho rằng, mũi vaccine thứ tư đặc biệt quan trọng đối với những người suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, chẳng hạn như người nhiễm HIV hoặc bệnh nhân ung thư đang được điều trị tích cực bằng xạ trị hay hóa trị. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Brazil cũng có kế hoạch rút ngắn khoảng cách tiêm giữa mũi thứ hai và thứ ba từ 5 tháng xuống 4 tháng.

Kể từ khi Brazil phát động chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 từ tháng 1/2021 đến nay, khoảng 70% dân số nước này đã được tiêm ít nhất hai mũi vaccine.

Một ổ dịch COVID-19 đã bùng phát trên du thuyền lớn nhất thế giới, du thuyền "Symphony of the Seas". Du thuyền này đã ghi nhận ít nhất 48 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Du thuyền đang chở hơn 6.000 hành khách và thủy thủ đoàn trong hành trình kéo dài một tuần quanh biển Caribe. Giới chức y tế thành phố Miami, Mỹ cho biết, hầu hết bệnh nhân đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Giới chức y tế vẫn chưa rõ liệu biến chủng Omicron có phải là nguyên nhân gây ra các trường hợp dương tính này hay không.

Trước đó, để thực hiện chuyến du lịch 7 ngày trên du thuyền, toàn bộ du khách trên 12 tuổi đã buộc phải tiêm đủ liều vaccine và thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi lên tàu.

Ổ dịch COVID-19 trên du thuyền lớn nhất thế giới, một số nước có ca tử vong đầu tiên vì Omicron - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 đã bùng phát trên du thuyền lớn nhất thế giới "Symphony of the Seas". (Ảnh: AP)

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 Nuvaxovid do hãng dược phẩm Mỹ Novavax sản xuất cho người từ 18 tuổi trở lên. Như vậy, Nuvaxovid sẽ là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 5 được lưu hành tại châu lục này sau vaccine của các hãng Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu cho biết, các dữ liệu tổng hợp từ 2 cuộc nghiên cứu lớn cho thấy, loại vaccine này đạt hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 tới 90%. Hiện chưa thể đánh giá hiệu quả của loại vaccine này đối với biến thể Omicron do còn thiếu dữ liệu. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu khẳng định, những thông tin về Nuvaxovid rất đáng khích lệ và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu về hiệu quả, an toàn và chất lượng.

Israel ngày 21/12 đã có ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron, là một người đàn ông hơn 60 tuổi có bệnh nền và đã tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19. Số liệu của Bộ Y tế nước này cho biết, ngày 21/12, có 170 bệnh nhân Omicron chính thức được xác nhận, nâng tổng số ca nhiễm biến thể COVID-19 mới ở quốc gia Trung Đông này lên 341 người, tăng gấp 2 lần so với số liệu một ngày trước đó. Trong số các bệnh nhân Omicron tại Israel có 243 người trở về từ nước ngoài.

Đáng chú ý là trong số các bệnh nhân có 246 người đã tiêm 3 liều vaccine hoặc tiêm liều 2 trong vòng 6 tháng trở lại đây. Bộ Y tế Israel còn cho biết thêm, có 807 người khác hiện đang nghi nhiễm biến thể Omicron và đang chờ kết quả xét nghiệm chính thức.

Hiện mỗi ngày Nga ghi nhận hơn 27.000 ca nhiễm mới COVID-19, con số này đã giảm đi đáng kể so với thời điểm cách đây một tháng. Tuy nhiên, đã có ít nhất 25 ca nhiễm biến thể Omicron được ghi nhận ở Nga từ đầu tháng 12 cho đến nay, và dự báo số ca nhiễm biến thể mới này sẽ gia tăng nhanh trong những ngày tới. Hiện các nhà khoa học Nga đang nghiên cứu và tiến hành cập nhật vaccine để tăng tính hiệu quả chống lại các biến thể COVID-19.

Theo các nhà điều chế vaccine Sputnik V từ Trung tâm nghiên cứu dịch tễ và vi sinh Gamaley, đến nay chưa có cơ sở nào cho thấy chủng Omicron sẽ thay thế chủng Delta. Trong trường hợp này, vaccine phải là vaccine hai thành phần để chống lại cả chủng Delta và chủng Omicron. Do đó, cần phải sử dụng một nền tảng mới để tạo ra vaccine. Hiện vaccine Sputnik V được cho là có khả năng bảo vệ khỏi chủng Omicron, nhưng cần phải nghiên cứu mức độ bảo vệ này.

Tính đến ngày 20/12, ở Nga đã có gần 75,8 triệu người được tiêm ít nhất một mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó 69,4 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ước tính đạt gần 60%. Bộ trưởng Y tế Liên bang Nga Mikhail Murashko đã phê duyệt kế hoạch tiêm phòng COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi dựa trên cơ sở tự nguyện.

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 21/12 tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục chính sách sống chung với COVID-19. Tuyên bố trên được đưa ra khi số ca lây nhiễm COVID-19 hàng ngày tại Australia vẫn tiếp tục tăng. Theo Thủ tướng Morrison, nước này sẽ không phong tỏa trở lại và sẽ tiếp tục sống chung với COVID-19. Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 liên tục tăng cao trong vài ngày qua nhưng ông Morrison cho rằng, việc hạn chế lây lan COVID-19 phụ thuộc lớn vào trách nhiệm và ý thức của từng người dân.

Hiện Australia đang thúc đẩy triển khai tiêm mũi tăng cường. Thời gian tiêm có thể được rút ngắn từ 5 tháng xuống còn 4 hoặc 3 tháng tính từ khi tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ hai. Thủ tướng Morrison đã kêu gọi các bang mở cửa trở lại hàng trăm trung tâm tiêm chủng.

Ngày 21/12, bang New South Wales của Australia thông báo ghi nhận 3.057 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc cao nhất trong một ngày tại một bang của Australia kể từ khi đại dịch bùng phát.

New Zealand cùng ngày thông báo hoãn kế hoạch mở cửa biên giới cho đến hết tháng 2/2022 vì lý do biến thể Omicron đang lây lan nhanh trên toàn cầu. Đảo quốc Nam Thái Bình Dương này vừa mới bắt đầu kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch được cho là nghiêm ngặt nhất thế giới. Theo kế hoạch ban đầu, các hạn chế biên giới quốc tế sẽ được nới lỏng từ tháng 1/2022 và đến tháng 4 sẽ cho phép toàn bộ khách nước ngoài được nhập cảnh.

Tuy nhiên, theo quyết định mới, chương trình nhập cảnh không cách ly dành cho người New Zealand sống tại Australia từ ngày 16/1/2022 sẽ bị lùi lại đến cuối tháng 2/2022. Ngoài ra, thời gian cách ly sẽ tăng từ 1 tuần lên 10 ngày, và các xét nghiệm cần phải trong vòng 48 giờ thay vì 72 giờ trước khi nhập cảnh.

Ổ dịch COVID-19 trên du thuyền lớn nhất thế giới, một số nước có ca tử vong đầu tiên vì Omicron - Ảnh 2.

New Zealand hoãn kế hoạch mở cửa biên giới cho đến hết tháng 2/2022. (Ảnh: AP)

Thái Lan đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi. Đây là loại vaccine đầu tiên được Thái Lan cho phép sử dụng cho trẻ em trong độ tuổi 5-11. Theo giới chức y tế Thái Lan, liều lượng tiêm sẽ là 10 microgram, bằng 1/3 liều lượng người lớn, 2 liều tiêm cách nhau 21 ngày như khuyến cáo của nhà sản xuất. Trước đó, hồi tháng 10, Thái Lan đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Ngày 21/12, Chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ tạm dừng chương trình nhập cảnh không cần cách ly (Test and Go) vừa được áp dụng trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron đang tăng nhanh trên toàn cầu. Thái Lan tạm dừng chương trình nhập cảnh không cần cách ly trong bối cảnh tổng số ca nhiễm biến thể Omicron ở nước này hiện nay đã lên đến khoảng gần 100 ca.

Bộ Y tế Lào ngày 21/12 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.128 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và 10 người tử vong do COVID-19, trong đó chỉ có 1 trường hợp nhập cảnh. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 100.524 trường hợp, bao gồm 284 người tử vong.

Theo Bộ Y tế Lào, chỉ sau một ngày giảm xuống mức 3 chữ số, số ca mắc mới tại nước này lại ở mức 4 chữ số trong ngày 21/12, tăng 304 ca so với một ngày trước đó. Đáng chú ý, số ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Vientiane cũng tăng trở lại với 544 trường hợp trong một ngày, tăng 250 người so với ngày 20/12. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Lào vẫn diễn biến phức tạp.

Truyền thông Indonesia dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết, Chính phủ nước này đang xem xét kéo dài thời gian cách ly đối với người nhập cảnh lên 2 tuần nhằm ngăn chặn biến thể Omicron. Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, Chính phủ Indonesia vừa họp thảo luận về kế hoạch kéo dài thời gian cách ly lên 14 ngày nếu biến thể Omicron lan rộng hơn.

Cho đến nay, Indonesia đã xác nhận 3 người nhiễm Omicron, đều là các ca nhập cảnh. Hiện du khách quốc tế và công dân Indonesia phải trải qua thời gian cách ly bắt buộc 10 ngày tại khách sạn hoặc địa điểm được chỉ định. Số lượng bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại các bệnh viện hoặc tự cách ly tại nhà ở Indonesia đã giảm mạnh trong thời gian qua và hiện chỉ còn hơn 4.800 người, so với mức hơn 550.000 người hồi cuối tháng 7.

Chính phủ Indonesia đã đưa ra 5 biện pháp tăng cường giám sát trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh 2021 và năm mới 2022 (gọi là Nataru) nhằm gia tăng khả năng ứng phó với nguy cơ tăng đột biến các trường hợp mắc mới COVID-19, đặc biệt là liên quan đến biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Từ đầu tuần này Nhật Bản đã bắt đầu cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 điện tử cho người dân. Chứng nhận này giúp đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh hoặc tạo thuận tiện hơn cho người dân nước này khi tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội trong dịch bệnh COVID-19.

Có hai loại chứng nhận, một loại sử dụng trong nước và một loại sử dụng ở nước ngoài. Chứng nhận này sẽ bao gồm các thông tin tên, ngày tháng năm sinh, loại vaccine ngừa COVID-19 đã tiêm và ngày tiêm của người được cấp chứng nhận. Các chứng nhận tiêm chủng chủ yếu được sử dụng để làm thủ tục xuất nhập cảnh, hoặc khi tham gia các sự kiện, hoạt động kinh tế, xã hội trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp. Hiện nay, chứng nhận tiêm chủng của Nhật Bản đã được công nhận ở 76 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Hiện có khoảng 50 triệu người dân Nhật Bản có thẻ My Number, Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích người dân đăng ký thẻ này để thúc đẩy số hóa lĩnh vực hành chính, trước mắt là thúc đẩy sử dụng chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 điện tử, qua đó giảm thiểu tác động đối với các hoạt động kinh tế-xã hội trong trường hợp dịch COVID-19 tái bùng phát.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 21/12 tuyên bố, nước này sẽ duy trì những biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ nhằm ngăn chặn nguồn lây lan biến thể Omicron từ bên ngoài. Theo ông Kishida, Chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước để ngăn chặn biến thể Omicron. Những người tiếp xúc với người bị nhiễm biến thể này trên cùng chuyến bay sẽ được yêu cầu ở lại các cơ sở cách ly được chỉ định trong vòng 14 ngày thay vì cách ly ở nhà. Cho đến nay, Nhật Bản vẫn chưa cho phép công dân nước ngoài nhập cảnh vào nước này.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi, Chính phủ nước này chuẩn bị ứng phó với kịch bản Omicron trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Hàn Quốc trong khi vẫn đảm bảo củng cố năng lực của ngành y tế. Đến nay Hàn Quốc đã ghi nhận 227 ca nhiễm biến thể Omicron.

Tổng thống Moon đưa ra thông điệp trên một ngày sau khi ông chỉ đạo các bệnh viện đại học quốc gia tập trung nguồn lực vào điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng trong bối cảnh nhiều nơi trong số này thiếu giường bệnh.

WHO cảnh báo về Omicron trước kỳ nghỉ đông: 'Một sự kiện bị hủy còn hơn một cuộc đời bị hủy' WHO cảnh báo về Omicron trước kỳ nghỉ đông: "Một sự kiện bị hủy còn hơn một cuộc đời bị hủy" Omicron - chủng áp đảo các ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ Omicron - chủng áp đảo các ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ Omicron lây lan nhanh ở những nước có tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao Omicron lây lan nhanh ở những nước có tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước