Người dân vùng Oromia, Ethiopia lâu nay đã vướng vào những xung đột tại khu vực biên giới với Kenya, với một lý do không gì khác là "nguồn nước".
Cuộc xung đột đã trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Nhiệt độ ngày càng tăng, lượng mưa giảm, đã khiến các nguồn tài nguyên trở nên khan hiếm, dẫn tới các cuộc xung đột bạo lực.
70% bề mặt Trái Đất là nước nhưng chỉ có ít hơn 1% lượng nước có thể sử dụng được. Khoảng 750 triệu người không được tiếp cận với nguồn nước sạch. Do đó, nước cũng chính là nguyên nhân gây ra xung đột tại một số nơi trên thế giới.
Ở Trung Á, các vùng sa mạc tại Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan thường bất hòa với Tajikistan và Kyrgyzstan - những quốc gia kiểm soát tới 80% nguồn nước của khu vực.
Phân bố nước cũng là một vấn đề nan giải tại những khu vực sa mạc rộng lớn của Trung Đông. Biển hồ Galilee là hồ nước ngọt lớn nhất của Israel, đón nhận nguồn nước từ sông Jordan, chảy qua 3 nước Israel, Liban và Syria. Từ đây, nước trở thành một trong những yếu tố khiến Syria và Israel nổ ra tranh chấp từ giữa những năm 1960 và căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi xảy ra cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967. Israel đã chiếm cao nguyên Golan, Bờ Tây và Dải Gaza, bởi nơi đây cung cấp 60% nguồn nước cho quốc gia này.
Trong khi đó, hai dòng sông Tigris và sông Euphrates bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến 2 quốc gia láng giềng là Iraq và Syria bị phụ thuộc nguồn nước và liên tục kêu gọi sự bình đẳng trong việc phân bố nguồn tài nguyên này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!