Nước Anh "bệnh tình" trầm trọng vì... bê bối dịch vụ y tế công

Nguyễn Mai (VTV24)-Thứ bảy, ngày 14/12/2019 06:56 GMT+7

VTV.vn - Dịch vụ y tế công của Anh (NHS) hiện đang rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Khi nền đất trở thành giường bệnh

Suốt cả tuần nay, dư luận Anh tỏ ra bất bình với hành động của thủ tướng Boris Johnson, sau khi ông được phóng viên cho xem bức hình này. Đây là hình ảnh Jack, một em bé 4 tuổi, được đưa đến bệnh viện đa khoa ở thành phố Leeds hồi tuần trước vì nghi ngờ bị viêm phổi. Tuy nhiên khoa cấp cứu của bệnh viện này luôn trong tình trạng quá tải kể từ năm 2016, buộc cậu bé phải nằm dưới sàn hành lang với chiếc áo đắp thay chăn ấm, chờ suốt năm tiếng mới được bác sĩ thăm khám.

Nước Anh bệnh tình trầm trọng vì... bê bối dịch vụ y tế công - Ảnh 1.

Sau khi phóng viên cho xem bức hình trên điện thoại thì ông Boris Johnson liên tục từ chối nhìn vào bức hình, sau đó thậm chí còn lấy luôn điện thoại của phóng viên bỏ vào túi mình! Sự thiếu quan tâm này khiến người dân Anh bức xúc, vì dịch vụ y tế công tại nước này đang xuống cấp, còn thủ tướng, dù đã cam kết sẽ đầu tư hàng loạt cho dịch vụ y tế công nhưng không thực hiện triệt để.

Tình trạng quá tải bệnh nhân chờ điều trị ở mức tồi tệ nhất từ trước đến nay

Hãng truyền thông BBC cho hay, khả năng tiếp nhận bệnh nhân của các bệnh viện ở Anh đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất từng được ghi nhận.

Các chuyên khoa chính luôn rơi vào trạng thái quá tải là điều trị ung thư, điều trị nội trú, khoa phẫu thuật và khoa tai nạn - cấp cứu. Đáng lý ra, những khoa này phải được ưu tiên nâng cấp và đầu tư từ hơn 3 năm nay, thế nhưng đây lại trở thành điểm yếu của NHS. Hồi năm ngoái, chính phủ Anh từng công bố một kế hoạch tài trợ kéo dài năm năm, trong đó ngân sách chi cho các bệnh viện tuyến đầu sẽ tăng 3,4% mỗi năm cho đến năm 2023. Điều đáng nói là đến giờ, những khoản cam kết chi này vẫn đang nằm trên giấy!

BBC cũng cung cấp các số liệu cho thấy, 4,42 triệu bệnh nhân hiện vẫn trong danh sách chờ được điều trị, tính đến thời điểm cuối tháng 9, con số cao nhất từ ​​trước đến nay. 84,8% trong số họ chờ đợi dưới 18 tuần mà chưa có phòng phẫu thuật hoặc chưa đến lượt trong danh sách ghép tạng. 76,9% bệnh nhân ung thư bắt đầu điều trị trong vòng 62 ngày. 83,6% bệnh nhân thuộc khoa tai nạn và cấp cứu đã nhập viện hoặc chuyển viện trong vòng bốn giờ. 79.228 bệnh nhân phải chờ đợi trong khoảng 6 giờ mới được bác sĩ thăm khám. 960 bệnh nhân đã tử vong vì không được cấp cứu kịp thời.

Chính các bác sĩ của NHS cũng kết luận rằng nguyên nhân tử vong của nhiều trường hợp hoàn toàn do việc phải chờ đợi lâu chứ không phải do tình trạng bệnh tật của bệnh nhân.

"Tôi bị bỏ lại trong nỗi đau tột cùng"

Bà Frances Reid, 55 tuổi, là một trong nhiều bệnh nhân phải chờ đợi lâu mà chưa được điều trị.

Nước Anh bệnh tình trầm trọng vì... bê bối dịch vụ y tế công - Ảnh 2.

Theo lịch, bà được nhập viện để phẫu thuật thay xương hông vào tháng 1 năm 2018, sau hai năm vật lộn với chứng đau hông liên miên. Cơn đau thậm chí còn kéo dài thêm 6 tháng nữa bởi NHS không thể bố trí được bác sĩ, cũng như lên lịch điều trị cho bà. Cuối cùng, NHS phải trả tiền để bà được phẫu thuật tại một bệnh viện tư nhân.

"Tôi thức dậy sáu, bảy lần mỗi đêm vì những cơn đau. Và ngay cả việc đi lại cũng trở nên khó khăn với tôi". Đó là những lời chia sẻ của bà Reid với phóng viên hãng BBC.

Nhưng bà Reid chắc chắn không phải là bệnh nhân duy nhất được "gửi đi chữa bệnh" tại một cơ sở liên kết của NHS. Vậy đâu là lý do khiến dịch vụ y tế quốc gia – cơ sở y tế tuyến đầu của Anh lại không thể tự chữa cho các bệnh nhân của mình?

NHS – "Đau đẻ cũng phải chờ sáng trăng"

Hầu như mọi bệnh nhân nhập viện điều trị đều phải chờ. Một tỷ lệ rất nhỏ được ưu tiên chính là những ca cấp cứu nguy kịch. Chính bản thân NHS cũng thừa nhận rằng dù các bác sĩ làm việc 24/24, thì cũng không đủ nhân lực, không đủ giường bệnh để tiếp nhận lượng bệnh nhân mỗi ngày.

Việc các khoa tranh nhau suất tại phòng phẫu thuật, tranh nhau một giường tại khoa hậu phẫu là chuyện dường như ngày nào cũng xảy ra. Rất khó để các bác sĩ phải đưa ra quyết định bệnh nhân này "đáng" được ưu tiên hơn, có chăng, chỉ là dựa trên tình trạng bệnh của mỗi người mà thôi.

Kể từ đầu năm nay, số giường bệnh tại NHS đã bị cắt giảm 17.000 đơn vị. Khoảng một nửa trong số này là giường điều trị bệnh chung. NHS lý giải rằng nhiều người phẫu thuật vào ban ngày, và có thể hồi phục để trở về nhà sớm, không cần phải nằm viện qua đêm. Trong khi một số bệnh nhân khác, bao gồm cả bệnh nhân lớn tuổi và những người mắc các chứng bệnh tâm thần, sẽ được khuyến khích điều trị tại nhà, thay vì điều trị nội trú như trước đây.

Nguyên nhân được cho là tại Brexit!

Câu chuyện Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cuộc sống ở xứ sở sương mù này. Và dịch vụ y tế công của Anh không phải ngoại lệ.

Một mặt, Brexit khiến cho những chuyên gia cao cấp và nhân viên trong mảng y tế rời Anh để đến các quốc gia khác, với mong muốn công việc của họ không phải chịu tác động khi Anh rời EU. Một sự "chảy máu" ồ ạt khiến cho số lượng nhân viên y tế không thể cân bằng để chăm sóc số bệnh nhân.

Ở một khía cạnh khác, Brexit khiến cho NHS thiếu hụt hàng loạt thuốc điều trị nhập khẩu. Nên dù có muốn cải thiện chất lượng chữa bệnh, thì các bác sỹ cũng không có đủ "vũ khí" trong tay.

Nước Anh bệnh tình trầm trọng vì... bê bối dịch vụ y tế công - Ảnh 3.

Trong tài liệu 24 trang lưu hành nội bộ của cơ quan Y tế và Chăm sóc Xã hội, được một chuyên viên y tế cung cấp cho tờ The Guardian, chỉ rõ rằng các loại thuốc điều trị ung thư, Parkinson, thuốc cho các bệnh nhân mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần và một số bệnh về mắt đang thiếu nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến 69 loại và liều thuốc khác nhau đã được ghi nhận khan hiếm trước đó, bao gồm kháng sinh cho bệnh lao, diamorphin, các loại thuốc trị ung thư, thuốc điều trị bệnh tim, vắc-xin ngừa các chủng viêm gan và thuốc chống động kinh.

Nhiều bác sĩ buộc phải chia đôi đơn thuốc cho các bệnh nhân. Tức là thay vì uống cả viên thuốc một lần thì giờ, các bệnh nhân phải uống một cách cầm chừng, mỗi lần chỉ nửa viên. NHS cũng từng tính đến phương án nhập khẩu thuốc từ Nhật Bản thay cho các nhà sản xuất châu Âu, nhưng đó cũng mới chỉ là đề xuất trên giấy.

Vậy là, thay vì được điều trị hoặc chờ đợi được đến lượt điều trị thì những bệnh nhân ở Anh đang "khăn gói quả mướp" đến các quốc gia khác như Tây Ban Nha để chữa bệnh. Cuộc chiến với bệnh tật của các bệnh nhân, hay của chính Dịch vụ y tế công của Anh, sẽ vẫn còn kéo dài hoặc ít nhất là đến khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu.

(Nguồn: BBC, The Guardian)

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước