Núi Nyiragongo đỏ rực lửa, phun khói bụi lên bầu trời. (Ảnh: AP)
Vào thời điểm diễn ra vụ phun trào núi lửa, ngọn lửa đỏ rực và khói bao trùm trên đỉnh trên núi Nyiragongo, một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới. Cư dân tại Goma, thành phố ven hồ với khoảng 2 triệu người sinh sống ở Congo, đã di chuyển về phía Đông, ở khu vực biên giới với nước láng giềng Rwanda, trong khi những người khác sơ tán về phía Tây thành phố.
Ông Dario Tedesco, một nhà nghiên cứu về núi lửa tại Goma, cho biết, các vết nứt mới đang xuất hiện trên núi Nyiragongo, khiến dung nham phun trào về phía Nam hướng về thành phố phía Goma. Trước đó, dòng dung nham chảy về phía Đông giáp với biên giới Rwanda.
Người dân đứng xem núi lửa Nyiragongo phun trào ngày 22/5 ở Goma, Congo. (Ảnh: AP)
Một nguồn tin của Liên Hợp Quốc cho biết, tất cả các máy bay của tổ chức này đã được sơ tán đến thành phố Bukavu ở phía Nam và Entebbe ở lân cận Uganda. Thành phố Goma bị mất điện trên diện rộng, liên lạc điện thoại bị gián đoạn.
Tại thủ đô Kinshasa, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Congo Jean-Michel Sama Lukonde đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp và Chính phủ nước này đã triển khai ngay lập tức kế hoạch sơ tán người dân ở thành phố Goma.
Cư dân Goma sơ tán với đồ đạc của họ sau khi núi Nyiragongo phun trào. (Ảnh: AP)
Vào năm 2002, núi Nyiragongo cũng phun trào gây thiệt hại nghiêm trọng với 250 người thiệt mạng và 120.000 người mất nhà cửa.
Trong một bản tin vào ngày 10/5, Đài quan sát núi lửa Goma, cơ quan chuyên giám sát hoạt động của núi lửa này, cho biết, đã có sự gia tăng hoạt động địa chấn tại núi Nyiragongo từ đầu tháng 5.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!